Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước, tạo tiền đề để thực hiện hóa khát vọng hùng cường và hạnh phúc của đại bộ phận nhân dân.
Trong điều kiện khó khăn thiên tai, dịch bệnhCovid -19, người lao động khu vực nông thôn đã bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 5 năm 2021, cả nước có 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do dich Covid-19, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Anh Hoàng Văn Tùng, dân tộc Tày, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cho biết: “Trước khi có dịch Covid-19 bùng phát, tôi làm việc chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Hoành Mô. Nhưng khi dịch bùng phát, cửa khẩu đóng, tôi không còn việc làm. Tôi xuống thành phố tìm việc, nhưng tại đây nhiều chỗ người lao động cũng phải đi làm luân phiên nhau”.
Người lao động phổ thông đã khó kiếm được việc làm, còn những lao động có bằng cấp, làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, dịch vụ cũng gặp phải những khó khăn riêng khi ngành du lịch gần như "đóng băng" do dịch.
Chị Nông Thị Thu Trà, dân tộc Nùng, làm hướng dẫn viên du lịch chuyên hướng dẫn du khách Quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Hai năm nay khách Quốc tế gần như không có, chị chuyển sang làm tuor nội địa.
"Nhưng đến khách nội địa cũng vắng khi du lịch chỉ mới vừa hoạt động, lại đã phải nghỉ tiếp do dịch bệnh liên tiếp diễn ra. Không biết đến bao giờ công việc mới có thể ổn định lại”, chị Trà chia sẻ.
Để giải quyết những khó khăn hiện nay cho người lao động, nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích và dự báo thị trường lao động, nâng cao năng lực hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc; cung cấp kiến thức về quản trị doanh nghiệp và các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp...
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động, cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc, vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời.
"Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển, thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước", ông Cung cho biết.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này, cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới...
(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)