Bức tranh ảm đảm
Anh BRíu Nối (22 tuổi, dân tộc Cơ Tu) quê ở xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đang trong độ tuổi lao động sung sức nhưng ở quê khó kiếm việc làm, anh quyết định ra thành phố tìm việc.
Tháng 7/2020, BRíu Nối cùng em gái rời quê hương Tây Giang xuống TP. Đà Nẵng và được nhận vào làm phụ hồ cho một công trình xây dựng. Em gái BRíu Nối cũng xin vào làm phụ việc cho một quán ăn. Cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19, hai anh em chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên đã bị mất việc. Họ phải quay về nhà chờ dịch lắng xuống và lại hành trình rong ruổi đi tìm việc làm mới. Đến bây giờ, anh em họ vẫn chưa tìm được việc làm...
Còn anh Vi Văn Thành, dân tộc Thái, quê ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đi làm công nhân hồ vữa theo thời vụ cho một công ty xây dựng ở Hà Nội. Thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, anh Thành cùng nhóm công nhân được chủ thầu trả lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Sau khi đại dịch bùng phát, công việc bị xây dựng bị đình trệ, có thời gian anh Thành cùng nhóm công nhân nghỉ làm cả tháng. Từ thu nhập đều đặn 6-8 triệu/tháng, anh Thành chỉ được tạm ứng mỗi tháng 1 triệu đồng.
Trước Tết Tân Sửu vừa qua, anh Thành cùng nhóm công nhân làm thuê bị chủ “xù” lương, không có tiền về quê, anh Thành phải lên mạng xã hội kêu cứu đồng hương, bạn bè hỗ trợ chút ít tiền về quê ăn Tết. Đến nay, anh Thành vẫn đang nghỉ thất nghiệp ở nhà.
Hai anh em BRíu Nối hay anh Vi Văn Thành chỉ là những trường hợp cụ thể trong hàng triệu lao động ở nước ta bị mất việc do ảnh hưởng, tác động của đại Covid-19. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu nhập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, tính đến hết tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 (bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập). Dịch Covid-19 đã đẩy 1,3 triệu người lao động vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020, trong đó đa phần người mất việc trong độ tuổi lao động.
Nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ
Nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, chính quyền các cấp cùng các cấp công đoàn, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tại các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ học nghề, tìm kiếm thị trường lao động.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành LĐTB&XH liên tục cập nhật, cung cấp thông tin các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để công nhân tìm việc làm mới. Mới đây, Liên đoàn Lao động Thành phố vừa có văn bản thông báo đến các địa phương trong toàn Thành phố về chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề “Cao Thắng vì cộng đồng" nhằm hỗ trợ cho người lao động của Thành phố bị mất việc hoặc giảm giờ làm việc do đại dịch Covid-19. Theo đó, Chương trình “Cao Thắng vì cộng đồng” do Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng phối hợp với các đối tác thực hiện tổ chức dạy nghề miễn phí cho các đối tượng là người DTTS, nữ giới, người khuyết tật. Thời gian học trong 3 tháng (từ tháng 4-6/2021).
Tại Đăk Lăk, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm cùng các doanh nghiệp dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm trực tuyến, các phiên giao dịch việc làm lưu động, Ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tư vấn việc làm, tư vấn nghề nghiệp cho 37.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho 15.500 lượt người, trong đó có 6.200 người đã tìm được việc làm ổn định.
Tại Trà Vinh, ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã chủ động, tích cực kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Hơn 200 phiên giao dịch việc làm được mở liên tục, gần như ngày nào cũng có. Đến nay, đã có trên 8.000 lao động tìm được việc làm mới, với điều kiện rất tốt (doanh nghiệp có xe đưa đón, bếp ăn, trường học cho con em công nhân…).
Ở cấp Trung ương, ngoài gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các địa phương và thị trường lao động quốc tế để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, Cục đang tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động, giúp người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.