Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12 năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch Covid-19 , bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Về tỷ lệ thiếu việc làm, năm 2020 có gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019. Đối với lao động trong độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Cụ thể, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân theo tháng của người lao động quý IV tăng so với quý trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV năm 2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng với với quý trước nhưng vẫn giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn tính trung bình cả năm 2020, thu nhập bình quân tháng đạt 5,5 triệu đồng, giảm 128 nghìn đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân tháng người lao động năm 2020 của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn của lao động nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,0 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).
Kết luận buổi Họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nên trong năm 2020, lĩnh vực lao động, việc làm của Việt Nam bị giảm mạnh. Trong quý IV, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, lĩnh vực này đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này đặt ra nhiều kỳ vọng phục hồi của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Ông Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh, những con số thống kê trên đây chỉ mang tính chất khái quát chung, chưa thể bao quát hết mọi khía cạnh của nền kinh tế. Đơn cử, mặc dù mức GDP của Việt Nam là 2,91% nhưng mức tăng này không đồng đều. Nhiều ngành tăng thấp, thậm chí sụt giảm. Việc sụt giảm kinh tế kéo theo ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực việc làm lao động như các ngành về dịch vụ, vận tải, bán buôn, bán lẻ…
Qua số liệu trên, Tổng cục Thống kê khuyến nghị thời gian tới, Chính phủ cần có cần những giải pháp ưu tiên chung để phục hồi phát triển nền kinh tế trong năm 2021. Cần hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể bị tác động nhiều nhất bởi Covid-19 như doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng đông lao động; người lao động mất việc làm, người lao động ở khu vực phi chính thức… Có như vậy, chúng ta mới phát triển bền vững lĩnh vực lao động, việc làm và bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau.