Bài cuối: Đi tìm lời giải
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Như số báo trước đã phản ánh, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp, giải bài toán “Việc làm” cho lao động DTTS. Tuy nhiên, những điểm sáng về XKLĐ như ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là chưa nhiều.
Đối với các huyện nghèo, một trong những “cú hích” để giảm nghèo bền vững, là việc thực hiện Ðề án hỗ trợ đẩy mạnh XKLÐ, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định 71/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện XKLĐ cho lao động là người DTTS ở các địa phương vẫn hết sức gian nan.
Đơn cử như, huyện Cư M’Gar (Đăk Lăk), từ năm 2017 đến tháng 5/2018, toàn huyện có 123 người tham gia XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó chỉ có 6 lao động là người DTTS. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018 chỉ có duy nhất 1 trường hợp là người DTTS trên địa bàn huyện tham gia XKLĐ.
Còn tính chung cả nước, trong 8 tháng năm 2018, theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cả nước đã có 86.047 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đưa số liệu: từ đầu năm 2018 đến nay, chúng ta đã đưa được 613 thanh niên DTTS đi làm việc ở nước ngoài.
Số lượng lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài nêu trên là quá khiêm tốn so với kỳ vọng từ giải pháp xuất khẩu lao động. Nguyên nhân của hạn chế cũng đã được chỉ ra; đó là chương trình đào tạo cho lao động DTTS còn bất cập, chưa đáp được yêu cầu công việc ở nước bạn; tâm lý, tập quán của lao động DTTS không thích ứng với môi trường làm việc,…
Để giải pháp XKLĐ cho lao động DTTS thực sự hiệu quả, cần có những thay đổi trong cách triển khai. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã khẳng định trước Quốc hội ngày 13/8 rằng: Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung về vấn đề này, sẽ có sự thay đổi. Ví dụ như, sắp tới sẽ đào tạo dài hơn, yêu cầu thấp hơn, lựa chọn công việc phù hợp hơn và phù hợp với tâm lý của các em. “Nhìn chung, tâm lý của các em là không muốn ở một mình, về kỷ cương, nguyên tắc, tập quán cũng có sự khác biệt. Cho nên chúng ta phải thực hiện phương châm vừa dạy, vừa dỗ, thậm chí đi XKLĐ rồi vẫn phải bố trí 2, 3 em gần nhau cho vui chứ nếu không, các em buồn là sẵn sàng bỏ về”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động
Cả nước hiện có hơn 9,38 triệu người từ 15 tuổi trở lên; trong đó có gần 8,08 triệu người có việc làm, chiếm tỷ lệ 86,1%. Nhưng cơ cấu việc làm của lao động DTTS vẫn khá lạc hậu, phần lớn, gắn với nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và lâm nghiệp. Chính vì vậy, thu nhập của lao động DTTS rất thấp.
Lấy kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2015 làm dẫn chứng, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình DTTS năm 2015 là 1.161.000 đồng/người/tháng, chỉ tương đương với 45% mức bình quân chung của cả nước (2.605.000 đồng/người/tháng) và bằng 41% mức bình quân của dân tộc Kinh (2.888.000 đồng/người/tháng).
Để xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS, từ năm 2002 đến nay, chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai. Hàng trăm nghìn hộ DTTS đã được cấp đất, phù hợp với tập quán lao động của phần lớn lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn khoảng 200 nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, về cơ bản các địa phương đã không còn quỹ đất để tiếp tục thực hiện chính sách này.
Bởi vậy, chuyển đổi cơ cấu việc làm, từ khu vực nông, lâm nghiệp sang các khu vực khác là hết sức cần thiết. Để chuyển dịch cơ cấu việc làm trong vùng đồng bào DTTS thì, việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề là một giải pháp.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, ở vùng DTTS và miền núi hiện có 116 chính sách đầu tư, hỗ trợ; trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên DTTS học nghề và nâng cao trình độ đào tạo từ bồi dưỡng, đến sơ cấp, trung cấp. Tuy nhiên, hiện lao động vùng DTTS về cơ bản vẫn là lao động phổ thông, tỷ lệ qua đào tạo mới khoảng 6% (chỉ bằng hơn 1/3 so với tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước).
Vì tỷ lệ qua đào tạo thấp nên chuyển dịch cơ cấu việc làm vùng DTTS rất chậm. Theo thống kê, lao động DTTS hiện chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và phi chính thức chiếm tỷ lệ trên 80%, cao hơn gần gấp đôi so với bình quân chung cả nước (44%); đặc biệt, có tới 20/53 DTTS có tỷ lệ này trên 95%.
Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc, khả năng thích nghi của lao động DTTS còn nhiều hạn chế. Việc hội nhập nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội còn nhiều bất cập, kỹ năng sống chưa được hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội…
Rõ ràng, để giải quyết việc làm cho lao động DTTS thì những tồn tại nêu trên phải được các cấp, ngành, địa phương sớm tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết. Nếu không, bài toán mang tên “Việc làm” sẽ vẫn là một rào cản lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
SỸ HÀO