Là địa phương có Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, Cửa khẩu quốc tế… lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn; lao động tự do tại khu vực cửa khẩu tương đối lớn. Để phòng, chống dịch, tỉnh đã thực hiện một số biện pháp giãn cách; vì vậy, số lao động mất việc làm trong tỉnh cũng tăng theo.
Thời gian trước đây, khi chưa có dịch bệnh, vợ chồng anh Vi Văn Mơ, dân tộc Giáy, ở Thôn Củm Hạ 2, xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai) làm nghề đẩy hàng thuê từ Trung quốc về Việt Nam. Công việc tuy vất vả, nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học.
Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch, cửa khẩu đường bộ tạm thời đóng cửa, khiến cho công việc đẩy hàng thuê của anh chị cũng không còn, gia đình vẫn phải duy trì nên cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.
“Vừa qua xã có tới thông báo về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình mừng lắm, hy vọng gia đình sớm được hỗ trợ để bớt đi khó khăn trong thời điểm này”, anh Mơ chia sẻ.
Qua rà soát sơ bộ, trên địa bàn xã Đồng Tuyển có khá nhiều người dân mất việc do dịch bệnh. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tập trung đối chiếu các tiêu chí, lấy ý kiến người dân tại các thôn bản để sớm hoàn thành danh sách hỗ trợ.
“Chúng tôi triển khai công khai đến các khu dân cư với tinh thần dân chủ, minh bạch. Cùng với đó, rà soát, áp các tiêu chí cho từng lao động, cho từng đối tượng để xét duyệt với mục tiêu chính xác và không bỏ sót. Đặc biệt là các người lao động tự do, lao động không có hợp đồng giao kết…”, ông Hoàng Tân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển cho biết.
Tính đến ngày 13/8/2021, trong tổng số 12 nhóm đối tượng, tỉnh đã rà soát thẩm định hồ sơ cho 2.092 người, với kinh phí dự kiến hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng. Theo Sở Lao động-Thương binh và xã hội Lào Cai, trong quá trình triển khai Nghị Quyết 68 của Chính phủ, đối với Lào Cai cũng gặp những khó khăn nhất định.
Cụ thể, đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hiện đang triển khai rà soát hỗ trợ, sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định đối tượng này ở địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như, việc xác nhận số ngày người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch; người lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhưng đi làm việc ở nơi khác, nay mất việc làm trở về địa phương...
Hiện tại, đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, trong quá trình thẩm định cũng nổi lên những bất cập như, danh sách bị trùng lặp, việc rà soát ở cơ sở không kỹ nên nhiều đối tượng không đủ điều kiện hỗ trợ...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đang tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động nắm được nội dung của gói hỗ trợ, chủ động đăng ký hỗ trợ. Đặc biệt là nhóm người lao động không có hợp đồng lao động; Tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ rà soát tổng hợp, thẩm định hồ sơ, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách.
"Đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt...”, bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đề xuất.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)