Mặc dù biết hậu quả của việc di cư tự do, nhưng vì tin lời dụ dỗ “đường mật” của kẻ xấu và chính kẻ xấu cũng đã khai thác triệt để cái “lý” này để kích động, truyền bá tư tưởng phản động, lôi kéo nên nhiều người vẫn tin và nghe theo. Một số hộ dồng bào Mông ở Lào Cai đã bán hết tài sản, ruộng vườn, từ bỏ quê hương đi tìm cuộc sống không có thực ở các tỉnh Tây Nguyên, Lai Châu, Điện Biên và thậm chí sang cả nước bạn Lào. Niềm vui chưa thấy, nhưng những hệ lụy đau lòng thì đã ngay trước mặt, nhiều hộ lâm vào tình cảnh khánh kiệt, đói nghèo, trẻ em thất học, dòng họ lưu lạc, xa cách, gia đình ly tán.
Khoảng năm 2010 - 2011, thời điểm các đối tượng xấu đẩy mạnh việc tung tin “vua Mông” đã về huyện Mường Nhé (Điện Biên) khiến nhiều người từ các tỉnh kéo về đây với hy vọng được gặp “vua”. Trước tình hình này, lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường bám dân, bám địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền chống lại luận điệu của kẻ xấu. Theo Thượng tá Phạm Huy Hoàng, Phó Trưởng phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Lào Cai, thời điểm đó, sự việc diễn biến rất nhanh và phức tạp, nhiều người dân tộc Mông ùn ùn kéo về Mường Nhé, trong đó tỉnh Lào Cai là địa bàn trung chuyển. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Công an tỉnh đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động bà con không đi theo kẻ xấu.
Thượng tá Phạm Huy Hoàng nhớ lại: Chúng tôi phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, trưởng các dòng họ, thông qua họ vận động những người trong gia đình, dòng họ không di cư tự do. Thành viên của các tổ công tác đến từng thôn, bản “3 cùng” với đồng bào để tuyên truyền.
Với bà Giàng Thị Mỷ, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai, dù đã nghỉ hưu khá lâu nhưng ký ức về quãng thời gian làm công tác vận động quần chúng vẫn vẹn nguyên. Bà kể: Đầu những năm 2000, bọn phản động tuyên truyền thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vì thế, cả hệ thống chính trị của tỉnh đều vào cuộc làm dân vận. “Chúng tôi tiếp cận các đối tượng bằng nhiều cách để tuyên truyền, vận động. Những chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống, dầu, muối, hỗ trợ khám - chữa bệnh… chính là “vũ khí” sắc bén nhất để cán bộ dân vận đấu tranh với luận điệu sai trái của bọn phản động và khuyên giải người dân không nghe theo kẻ xấu di cư tự do”, bà Mỷ chia sẻ.
Nhiều chính sách vượt lên trên đối sách
Trở lại câu chuyện của anh Cư Seo P ở thôn Tòng Già, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng), khi anh tỉnh mộng thì đã muộn, thậm chí còn bị bắt giam bên nước bạn Lào. Ngày được các lực lượng chức năng đón và đưa về quê hương, anh P vui mừng không kể xiết. Trở về, anh P không bị kỳ thị, trái lại, còn nhận được sự khoan dung, quan tâm, đùm bọc của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, anh P cho biết, hơn 10 năm qua, gia đình anh được thụ hưởng nhiều chính sách như được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được vay vốn để phát triển kinh tế, được hỗ trợ tiền điện…
Trên đường đưa chúng tôi ra tham quan khu sản xuất của gia đình, anh P khoe, bây giờ, ngoài nghề buôn trâu, gia đình anh còn chăn nuôi, trồng rau trái vụ, trồng cây sa nhân, lúa, ngô và tham gia xây dựng nông thôn mới. Câu chuyện càng trở nên sinh động khi anh kể bản thân còn khuyên một số hộ từ bỏ ý định di cư tự do, yên tâm với cuộc sống lao động nơi quê nhà. “Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc của bà con là động lực để gia đình tôi vươn lên, chỉ có an cư thì mới có thể làm giàu, không làm thì không có cái ăn”, anh P bộc bạch.
Tất cả những hộ đồng bào Mông sau khi trở về quê hương định cư đều được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hàng loạt chương trình, nghị quyết hỗ trợ đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Mông nói riêng được triển khai trong thời gian qua, trong đó có Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc. Ngoài ra là các chương trình 186, 120, 134, 135 (giai đoạn I,II,III), Nghị quyết 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Đối với tỉnh Lào Cai, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành các chương trình, đề án trọng tâm hướng về cơ sở. Trong đó, tỉnh dành 65 - 70% nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm trung bình 3 - 5%/năm, trên địa bàn không còn hộ đói…
Theo đồng chí Lý Seo Dìn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai, với những đồng bào lạc bước trở về, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và đoàn thể những địa phương có người hồi cư tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ổn định cuộc sống, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách dân tộc; giao trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân lãnh đạo trong thực hiện hỗ trợ các thôn, bản, dòng họ có người hồi cư. ‘‘Quan điểm nhất quán của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con trở về an cư, lạc nghiệp, làm giàu trên chính quê hương”, đồng chí Lý Seo Dìn nhấn mạnh.
Cuộc sống ngày càng đổi thay của các hộ dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng, nhất là ở 3 huyện nghèo thuộc diện Nghị quyết 30a của tỉnh là minh chứng rõ nét khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2003 đến nay, thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt, hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã có hơn 10.000 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở; hơn 7.000 hộ ở phân tán, rải rác được sắp xếp ổn định chỗ ở… Thực hiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề vùng dân tộc và miền núi, Lào Cai đã đào tạo nghề cho 110.000 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt gần 80%. Trong đó, người dân tộc thiểu số tham gia học nghề chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Xa Phó…
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tình trạng người dân, đặc biệt là dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh di cư tự do đã giảm hẳn. Giai đoạn trước, toàn tỉnh có 1.215 hộ với 6.213 khẩu di cư đi (chủ yếu đến các tỉnh Tây Nguyên, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên), đến năm 2018 chỉ còn 2 hộ với 8 khẩu thuộc diện này.
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Công an tỉnh Lào Cai).
Bài cuối: Hạnh phúc là an cư