Tăng trưởng nhanh nhưng vẫn thua các nước trong khu vực
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới ngành Du lịch, làm thay đổi về nhu cầu, thị hiếu trong tiêu dùng du lịch, đặc biệt ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường du lịch hiện nay. Để đảm bảo thích ứng, phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn mới, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”. Nhóm nghiên cứu thực hiện Nhiệm vụ này qua nhiều nghiên cứu trên phạm vi cả nước nhận định, du lịch nội địa đang có những bước phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, với sức tăng trưởng ổn định về số lượng cũng như đóng góp về tổng thu từ khách, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò tích cực trong mỗi giai đoạn phát triển.
Trong giai đoạn từ 2016 - 2019, mức tăng trưởng hằng năm lên tới 2 con số của du lịch nội địa là minh chứng rõ ràng cho nhận định, thị trường du lịch nội địa Việt Nam có sự phát triển đáng kinh ngạc. Thế nhưng, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tổng lượng khách du lịch nội địa cũng như tổng thu du lịch nội địa của chúng ta chưa xứng với tiềm năng. Ở thời điểm hiện tại, dân số Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, lượng khách du lịch nội địa của Việt Nam lại thấp hơn Thái Lan, Malaysia (2 quốc gia có tổng dân số thấp hơn Việt Nam). Theo Cơ quan thống kê quốc gia Thái Lan, năm 2019, tổng lượng khách du lịch nội địa của Thái Lan đạt 223 triệu lượt. Trong khi đó, Cục Thống kê Malaysia cũng cho biết lượng khách nội địa nước này năm 2019 là 239 triệu lượt.
Xét ở một khía cạnh nào đó, có thể nhận định, việc Thái Lan và Malaysia có tổng lượng khách nội địa cao hơn nhiều so với Việt Nam là điều dễ hiểu vì đây là 2 quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, dân số về mặt bằng chung có khả năng chi tiêu cao hơn Việt Nam. Thế nhưng con số trên cũng buộc chúng ta phải suy nghĩ lại, liệu cách tiếp cận cũng như các biện pháp kích cầu du lịch hiện nay đã thực sự hiệu quả chưa và người dân nhận thức như thế nào về những giá trị mà hoạt động du lịch đem lại?
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) cho biết: “Có thể thấy, qua đợt khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch phải dựa hoàn toàn vào thị trường nội địa. Thế nhưng, thực trạng tồn tại lâu nay cũng thể hiện ra là du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ khách du lịch quốc tế, Trong khi thị trường khách du lịch nội địa vẫn chưa được quan tâm khai thác một cách tương xứng”.
Cần có bước đi chiến lược
Thực tế hiện nay, khi thị trường quốc tế chưa ổn định trở lại sau đại dịch, thì việc khai thác thị trường nội địa chính là cơ hội để doanh nghiệp du lịch tận dụng để phục hồi, bứt phá. Năm 2022, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 400.000 tỉ đồng. Nhìn vào mục tiêu này có thể thấy du lịch nội địa vẫn là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Con số thực tế khách quốc tế đến trong 10 tháng đầu năm 2022 là 2,13 triệu và số khách nội địa là 91,8 triệu càng minh chứng cho việc thị trường nội địa quan trọng như thế nào đối với du lịch Việt Nam, nhất là trong giai đoạn phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19.
Vì thế, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước là một chiến lược quan trọng để góp phần khôi phục nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo yếu tố an toàn và vệ sinh khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Bên cạnh đó, những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà yếu tố an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu của du lịch, xu hướng du lịch an toàn, du lịch không chạm, không gian mở... sẽ chiếm ưu thế.
Các chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và phù hợp với thị hiếu của thị trường khách du lịch nội địa. Khác với giai đoạn trước, khách du lịch đi theo đoàn đông, đến những điểm du lịch đại trà. Sau dịch Covid-19, du khách thường đi theo nhóm nhỏ, thích đến các khu vực hẻo lánh, gần gũi thiên nhiên và lựa chọn các loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, thiền, yoga, tắm khoáng.
Thay vì các chương trình du lịch truyền thống, các chương trình du lịch cần đổi mới, sáng tạo trong các tiếp cận điểm đến, di chuyển và sử dụng dịch vụ. Dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có các điểm nhấn về mặt trải nghiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.