Nghiên cứu so sánh những bệnh nhân có đủ và không đủ lượng vitamin D trước khi mắc COVID-19. Theo phân tích được công bố đầu tháng 2 trên tạp chí Plos One, khoảng một nửa số người bị thiếu vitamin D phát bệnh nghiêm trọng khi nhiễm COVID-19. Trong khi đó, dưới 10% những người có đủ lượng vitamin D bị trở nặng.
Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, nhưng trước đây, giới chuyên môn chưa khẳng định vai trò chống lại COVID-19 nghiêm trọng.
Phân tích trên là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra nồng độ vitamin D trước khi nhiễm bệnh ở một số người.
Tiến sĩ Amiel Dror, tác giả nghiên cứu, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Galilee, thông tin: "Chúng tôi thấy sự khác biệt đáng chú ý về khả năng trở nặng khi thiếu vitamin D”.
Khảo sát dựa trên 253 người được đưa vào Trung tâm Y tế Galilee ở Nahariya, Israel, từ tháng 4/2020 đến tháng 2/2021 - trước khi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao xuất hiện.
Phát hiện trên ghi nhận, vitamin D giúp tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với virus tấn công hệ hô hấp. “Điều này cũng phù hợp với Omicron và các biến thể trước đó”, Tiến sĩ Dror nói.
Nghiên cứu không chứng minh rằng vitamin D chống lại Covid-19 và không phải lời khuyên nên uống vitamin thay cho tiêm vaccine. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết, vắc xin làm giảm nguy cơ nhập viện do nhiễm Omicron, đặc biệt sau khi tiêm nhắc lại.
Hầu hết vitamin D đến từ ánh nắng trực tiếp tới da. Loại vitamin này cũng có trong các loại thực phẩm như cá béo (cá hồi, cá ngừ), nấm, lòng đỏ trứng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết nồng độ vitamin D hơn 20 ng/ml được coi là đủ đối với hầu hết mọi người.
Nghiên cứu trên tạp chí The Lancet khẳng định, vitamin D làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Bệnh nền cũng có thể làm giảm vitamin D, khiến mọi người dễ bị COVID-19 nghiêm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu Israel cảnh báo vitamin D là "một phần của câu đố phức tạp" về COVID-19 nghiêm trọng, ngoài các yếu tố như bệnh nền, khuynh hướng di truyền, thói quen ăn uống và các yếu tố địa lý.
Họ cho biết: “Cần các nghiên cứu sâu hơn về việc liệu có cần bổ sung vitamin D cho những người thiếu vitamin D trong đại dịch COVID-19 hay không?”.