Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 10/1, đã có 323.070.932 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 74.571.391 ca bệnh đang điều trị, có 74.481.463 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 89.928 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 225 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với 139.544.476 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 10/1, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều nhất thế giới, trong đó có 1.648.685 ca tử vong và 107.134.290 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 1.203.239 ca nhiễm và 3.497 ca tử vong mới vì COVID-19. Đức, Nga và Hà Lan là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có thêm lần lượt 238.410; 183.103 và 86.538 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày qua. Và Nga hiện là nước có thêm nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất khu vực, với 669 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (384 ca) và Ba Lan (310 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Á tiếp tục là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, hiện ở mức 106.014.373 ca. Trong đó, 1.311.978 ca đã tử vong do COVID-19 và 98.327.525 ca được điều trị khỏi. Trong ngày qua, 3 quốc gia ghi nhận số người nhiễm COVID-19 nhiều nhất châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ khi có thêm lần lượt 108.563; 95.945 và 65.146 ca nhiễm mới; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong nhiều nhất là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản với số trường hợp tử vong lần lượt là 1.241; 266 và 141 ca.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 256.992 ca nhiễm COVID-19 và 2.967 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 92.368.909 và 1.352.504 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 218.818 ca nhiễm và 2.611 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Canada với con số thống kê lần lượt là 9.847 ca nhiễm và 131 ca tử vong mới và Mexico với 6.343 ca nhiễm và 132 ca tử vong mới do COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 266.909 ca nhiễm và 1.844 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 51.206.946 ca và 1.231.208 ca tử vong. Brazil là nước có số ca mắc và tử vong mới nhiều nhất trong ngày qua khi có thêm 183.533 ca nhiễm và 1.295 ca tử vong mới do COVID-19. Tiếp sau đó là Chile (33.362 ca nhiễm mới); Argentina (27.252 ca nhiễm mới) và Argentina (217 ca tử vong mới); Colombia (207 ca tử vong mới).
Tính đến sáng 10/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.276.084 ca, trong đó có 243.436 ca tử vong và 10.193.068 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 3.631.642 ca nhiễm và 96.502 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 5.628 ca nhiễm và 213 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 1.151.081 và 954.726 ca nhiễm bệnh cùng 15.698 và 26.889 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 3.025.447 ca nhiễm (tăng 34.977 ca) và 6.807 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 73 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 31.113 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.811.484 ca, trong đó 4.373 ca tử vong (tăng 70 ca).
Kể từ khi được công bố trên toàn cầu, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khiến số ca COVID-19 tại nhiều nước tăng cao và các quốc gia đang tiếp tục tăng cường nghiên cứu, phát triển và tiêm phòng vaccine COVID-19 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 9/2, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo Mexico đang tham gia dự án sản xuất siêu vaccine ngừa COVID-19, có hiệu quả chống lại tất cả các biến thể hiện tại và tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài. Công ty dược phẩm sinh học Sinergium Biotech, một trong số các công ty được lựa chọn, sẽ hợp tác với công ty công nghệ sinh học mAbxience để phát triển và sản xuất các thành phần hoạt tính của vaccine. Công ty mAbxience sẽ hoàn thành quá trình sản xuất trong Phòng thí nghiệm Liomont, đặt tại Mexico. Theo PAHO, hiện siêu vaccine đang trong quá trình phát triển ở giai đoạn tiền lâm sàng.
Indonesia dự kiến sử dụng vaccine ngừa nội địa mang tên Merah Putih để làm mũi tăng cường và dùng cho trẻ em từ 3 - 6 tuổi. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ xem xét tài trợ vaccine Merah Putih cho một số quốc gia, trong đó có các nước châu Phi. Tuy nhiên, trước hết Indonesia cần đăng ký vaccine Merah Putih với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để thử nghiệm lâm sàng và tiêm tăng cường trước khi loại vaccine này có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi và được sử dụng để viện trợ cho các nước châu Phi./.