Khai thác hiệu quả các đầu mối cung, cầu nông sản
Tổ Công tác đã vào TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với Tổ Công tác của Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, họp trực tuyến thường xuyên với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 20 tỉnh, thành phía Nam, nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ, xử lý các vướng mắc. Theo thông tin từ Tổ công tác 970 cung cấp cho thấy, tính đến ngày 25/7/2021, đã có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua tổ công tác.
Cụ thể: Rau củ 85 đầu mối; trái cây 102 đầu mối; thủy hải sản 157 đầu mối; lương thực 24 đầu mối; các mặt hàng khác 20 đầu mối. Ngoài ra, 12/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng cung cấp qua Tổng cục Thủy sản 148 đơn vị nuôi trồng thủy sản, với nhiều loại khác nhau sẽ thu hoạch trong thời gian tới.
Trong tổng số 388 đầu mối đăng ký, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7/2021 dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản. Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu.
Về tiêu thụ, Tổ công tác trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24 đơn hàng, được báo cáo qua Tổ. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thực tế rất lớn, do người mua tìm được đầu mối liên lạc ở các tỉnh và liên hệ trực tiếp để mua.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hầu hết các tỉnh đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến tỉnh mua hàng. Nhiều tỉnh hình thành các điểm bán hàng nhu yếu phẩm đến từng huyện, xã cho người dân, đáp ứng các biện pháp phòng dịch như huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), thành phố Bến Tre, thành phố Vị Thanh - Hậu Giang… Nhờ đó, lượng nông sản, thực phẩm được thu mua, tiêu thụ tại chỗ rất ổn định và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận.
Đẩy mạnh tính chủ động
Ngoài chức năng tổ chức sản xuất, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm, Tổ công tác cũng nỗ lực kết nối các đầu mối sản xuất - tiêu thụ để thúc đẩy lưu thông. Tổ công tác cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, bổ sung danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp, cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh thành trong khu vực phía Nam đều đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nơi còn áp dụng biện pháp tăng cường, dẫn đến tình trạng thắt chặt kiểm soát vận chuyển hàng hóa.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chống dịch đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương, nhưng việc cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, trong đó có nông sản, thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng để người dân yên tâm chấp hành các quy định chống dịch.
Việc thiếu hàng cục bộ hiện nay, ở một số địa phương không nằm ở việc thiếu nguồn cung, mà chủ yếu do vướng mắc, trục trặc về vận chuyển. Vấn đề này, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc cấp mã số phương tiện, phân "luồng xanh" cho hoạt động vận chuyển nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, do cách hiểu và thực thi của một số địa phương nên cũng có một số chốt kiểm soát chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa.
“Tổ công tác Bộ NN&PTNT đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành, thành lập Tổ công tác phụ trách việc tổ chức sản xuất, thu hoạch, cũng như kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại địa phương. Đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh tháo gỡ các bất cập về vận chuyển, tạo điều kiện để hàng hóa, nông sản lưu thông xuyên suốt, giải quyết được đầu ra cho nông dân và nguồn hàng cho thị trường trong thời gian chống dịch.”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)