Bắt cây ra quả theo ... thị trường
Với hơn 1 héc ta, trang trại trồng cà chua của anh Nguyễn Trung Triết, ở tổ 1, phường Ô Quý Hồ, là một trong những địa chỉ cung cấp cà chua lớn cho hệ thống siêu thị Vmart khu vực phía Bắc và thị trường trong tỉnh Lào Cai. Giống cà chua mà anh Triết đưa vào gieo trồng, là giống cà chua được nhập từ Israel nên chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao.
Khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, giá cà chua giao động khoảng 13 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ giảm, giá cà chua hiện tại chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg.
Anh Triết cho biết: Là nông dân nếu bỏ đất, bỏ đồi thì cũng chẳng biết làm gì. Thị trường giảm, giá cà chua xuống thấp, tôi tìm cách điều tiết cho cây cà chua sinh trưởng gắn theo sức mua và giá cả từng tuần, từng tháng làm sao để chi phí đầu vào thấp nhất, có lợi nhất, tuy lãi ít nhưng vẫn duy trì sản xuất, không bỏ đất hoang, đợi qua thời kỳ khó khăn phục hồi lại.
Theo anh Triết, nếu sức mua của thị trường lớn, giá bán cao thì anh tập trung đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép sử dụng để chăm sóc tối đa, thúc cho cây ra trái hết cỡ, trong thời gian ngắn nhất, đem lại năng suất và lợi nhuận cao. Còn khi sức mua yếu, giá thấp như hiện nay thì giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giàn leo…, chỉ giữ cây cà chua có khoảng 15 tầng quả, mỗi tầng một chùm 4-5 quả, mỗi cây đạt khoảng 8-10kg quả/vụ.
"Cùng với đó, chúng tôi tổ chức liên kết với các hộ khác thành lập tổ, nhóm liên gia để liên kết với các hợp tác xã, đầu mối tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh… Với cách làm này, năm 2020, dù giá có giảm nhưng gia đình vẫn thu khoảng 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 700 triệu đồng; vụ hè thu năm nay, tình hình dịch dã khó khăn hơn, nhưng dự kiến sẽ thu lãi khoảng 3-4 trăm triệu đồng”, anh Triết cho hay.
Tương tự, tại trang trại hoa ly Dương Hà ở phường Ô Quý Hồ, là nơi trồng hoa ly lớn nhất Sa Pa, mỗi năm cắt bán 100 vạn cành hoa. Thời kỳ cao điểm, mỗi cành hoa ly có giá khoảng 20-26 nghìn đồng/cành. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mỗi cành hoa ly có giá chỉ còn 4 nghìn đồng/cành. Theo chị Đào Thị Hà, chủ trang, làm nông nghiệp thời dịch Covid-19 rất khó khăn, nhưng không phải bế tắc hoàn toàn, mình phải tính toán, nắm bắt thị trường, có bí quyết để ứng phó thì vẫn duy trì được.
"Ví dụ như, đối với trồng hoa ly, thì giống chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất. Để giảm chi phí đầu vào, chúng tôi nuôi giữ và sử dụng củ giống F2 tại chỗ (củ đã cho một vụ hoa, được giữ lại để trồng vụ sau), như vậy chúng tôi không phải bỏ tiền mua củ giống nữa, tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng/ha; tuy chất lượng và giá của hoa trồng từ củ F2 có giảm, nhưng không phải bỏ một khoản lớn để mua củ giống F1 (mỗi củ giống F1 nhập về với giá thành 12-14 nghìn đồng/củ)”, chị Hà chia sẻ.
Cùng nông dân tháo gỡ khó khăn
Theo ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, vụ hè thu này, toàn thị xã có 464 ha rau các loại; trong đó, su su với 70 ha, tổng sản lượng khoảng 8.000 tấn; bắp cải là 102 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn; cà chua, cải thảo, củ cải là 192 ha, sản lượng khoảng 3.000 tấn. Về hoa cắt cành, toàn thị xã có hơn 150 ha hoa hồng và hoa ly, với sản lượng hàng trăm triệu bông.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến Sa Pa hầu như không có, các đầu mối tiêu thụ ở ngoài tỉnh cũng giảm nên rau, hoa bị ùn ứ, giảm giá mạnh, trung bình từ 30-40%. Cụ thể như, su su bán giá 3-4 nghìn đồng/kg, giảm 8-10 nghìn đồng/kg; bắp cải bán giá 4-5 nghìn, giảm 2-3 nghìn đồng/kg, cà chua bán giá khoảng 4 nghìn đồng, giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg; đặc biệt, đối với hoa ly cắt cành giá giảm rất nhiều.
Theo ông Nghĩa, chưa bao giờ nông nghiệp Sa Pa, với các sản phẩm như rau ôn đới, hoa cao cấp lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay. Cùng với nông dân tháo gỡ khó khăn, Phòng Kinh tế phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội, Hải Phòng hay như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa phương đang có dịch.
"Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, góp phần khẳng định giá trị sản phẩm nông sản Sa Pa với thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng…”. Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa Triệu Thiết Nghĩa nói.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)