Theo đó, mẫu bệnh phẩm từ lợn (heo) được lấy từ hộ Rơ Châm Nhuệ, trú tại làng Mun thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây là hộ được nhận 5 con heo giống từ Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Sau vài ngày nuôi thì 1 con heo trong đàn được cấp đã phát bệnh rồi chết nhưng không rõ nguyên nhân.
Việc heo được cấp bị chết cũng xảy ra hàng loạt với 18 hộ dân được cấp heo trong Dự án tại 2 làng Mun và Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh).
Trước diễn biến bất thường khiến heo chết hơn nửa trong số 100 con heo được cấp từ đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ về việc tình trạng heo giống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS bị chết chưa rõ nguyên nhân; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xử lý theo đúng các quy định hiện hành và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Được biết, 100 con heo giống cấp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại làng Mun và làng Vân được UBND thị trấn Ia Ly và đại diện hộ dân trong làng đến Công ty TNHH một thành viên Nghĩa Hạp (cơ sở tại trang trại bà Nguyễn Thị Thu Thủy có địa chỉ tại số 80/1 Lữ Gia, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) lựa chọn và mua đưa về cấp cho dân làng.
Toàn bộ số heo trên trước khi đưa đến trao cho các hộ dân đã được cán bộ thú y phường Yên Thế tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả vào ngày 20/9/2024, dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku. Vậy, việc heo được lựa chọn, tiêm phòng dịch nhưng vẫn bị chết với kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi? Trách nhiệm này thuộc về ai?
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin.