Gia đình bà Dương Thị Thăng, xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình đã từ nhiều năm nay cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tháng 2/2024, gia đình bà Thăng được Nhà nước hỗ trợ 300 con gà giống, 30 bao cám (loại 25kg/bao) và thuốc thú y. Sau một thời gian chăn nuôi, tháng 5 vừa qua bà Thăng đã xuất bán đàn gà đầu tiên.
“Có được ít vốn từ bán gà, tôi cùng với con gái đầu tư mua 1.000 con vịt thịt và 40 con gà, ngỗng đẻ trứng về chăn nuôi tiếp. Vịt mới được xuất bán cho thu lãi trên 20 triệu đồng, còn đàn gà đã bắt đầu đẻ trứng. Hiện, gia đình tôi có thu nhập ổn đình từ chăn nuôi và cuối năm nay phấn đấu ra khỏi diện hộ nghèo”, bà Thăng phấn khởi thông tin.
Yên Ninh là 1 trong 4 xã khu vực III của huyện Phú Lương trong giai đoạn 2017 - 2020, xã có trên 1.900 hộ, trong đó hơn 79% dân số là đồng bào DTTS. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.
Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, cho biết: “Trên địa bàn xã, các hộ dân nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ trâu cũng như được tập huấn kỹ thuật rất cụ thể, đúng quy trình nên hiện tại trâu sinh trưởng tốt, khỏe mạnh. Đây chính là cách làm thiết thực nhằm trao cần câu, tạo sinh kế cho các hộ phát triển kinh tế”.
Nhìn từ thực tế, hiện nay nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tổng kinh phí đã phân bổ giai đoạn 2021-2024 là 30,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 26,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 4 tỷ đồng). Tính đến thời điểm năm 2024, tỉnh đã thực hiện phân bổ xong nguồn vốn, trong đó nguồn vốn năm 2022 là 4.762,0 triệu đồng, năm 2023 là 12.225 triệu đồng chuyển sang năm 2024 thực hiện, năm 2024 là 13.502 triệu đồng.
Theo đó, giai đoạn 2021-2023 đã có 42 dự án được triển khai, với các loại hình: chăn nuôi, trồng trọt, liên kết theo chuỗi giá trị… với 1.684 hộ được hưởng lợi (trong đó có 814 hộ nghèo, 702 hộ cận nghèo, 156 hộ mới thoát nghèo và 12 hộ khác).
Năm 2024, các đơn vị, địa phương đã xây dựng dự án, trình UBND cấp huyện, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện dự án; đối với các dự án đã được phê duyệt thì đơn vị đang triển khai các bước thực hiện giải ngân nguồn vốn. Đến nay, có 10 dự án đã thực hiện hỗ trợ các nội dung dự án cho các hộ dân.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp làm công tác giảm nghèo; tổ chức tập huấn cho người dân...
Trao đổi về nội dung này, ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, cho biết: Đơn vị tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai Dự án đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu của Chương trình và định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai…
Từ những hiệu quả đạt được, địa phương tiếp tục đặt ra kế hoạch giảm nghèo cho giai đoạn 2026 – 2030. Nội dung thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực của địa phương. Dự kiến tổng kinh phí, cơ cấu vốn thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho cả giai đoạn 2026 - 2030 là 50 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 10 tỷ đồng.
Thông qua việc triển khai các dự án đã giúp tạo thêm sinh kế cho người dân, kinh nghiệm quản lý, trình độ sản xuất từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chương trình chủ động tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp của từng địa phương; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo trên địa bàn...