Công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Thường Xuân đang được triển khai tích cực, huyện đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng từng bước được cải thiện.
Điển hình như hộ gia đình ông Đỗ Viết Thái (thôn Hợp Nhất, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân), trước đây không có việc làm, phải vào miền Nam làm thuê để lo cho gia đình. Năm 2018, ông quyết định về quê lập nghiệp và được UBND xã Luận Khê hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật và giống cây trồng vật nuôi.
Ông Thái đã thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, nhập các giống cây trồng (ngô, sắn, mía, keo) về trồng, kết hợp với xây dựng chuồng nuôi bò, lợn. Tới nay, trang trại của ông Thái đang chăn nuôi 40 con lợn, 5 con bò, canh tác thêm 2 ha trồng ngô và các loại cây nông nghiệp, cây ăn quả. Thu nhập mỗi năm đạt khoảng 200 triệu, gia đình ông chính thức thoát khỏi danh sách các hộ nghèo.
Hay như như hộ gia đình ông Bùi Văn Phụng, thôn Mỹ Thượng, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống luôn gặp khó khăn đã thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Theo ông Phụng, năm 2017, được Nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng và vay vốn, ông đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp trồng rừng. Sau 7 năm phát triển kinh tế, đời sống gia đình ông đã ổn định hơn. Hiện gia đình ông đang nuôi 5 con bò, 30 con lợn và trồng nhiều loại cây ăn quả cùng 2 ha rừng.
"Tới nay, gia đình tôi đã thoát nghèo với thu nhập 80 triệu đồng/năm, gia đình đã có của ăn, của để và nuôi con cái ăn học. Thời gian tới, gia đình sẽ tập trung phát triển kinh tế trang trại, để nâng cao thu nhập lên 100 triệu đồng/năm", ông Phụng chia sẻ.
Ở huyện Ngọc Lặc, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo. Năm 2015, huyện có 7 xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, huyện không còn xã đặc biệt khó khăn, toàn huyện đã có 17 xã đoạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này đã khẳng định sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước đối với vùng khó khăn.
Được biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi, giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án. Trong đó, dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 152 mô hình đã hỗ trợ đến người dân, dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất với 56 dự án được hỗ trợ cho 2.131 hộ dân phát triển kinh tế. Đến nay, các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ dân miền núi vươn lên thoát nghèo. Hiện số hộ nghèo các huyện miền núi đã giảm xuống còn 23.541 hộ, chiếm 14,75 %.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, Sở đã phối hợp với UBND các huyện và đơn vị liên quan thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là các dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở các huyện nghèo có việc làm.
Ngoài ra, địa phương đã hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản khác về thông tin, giáo dục, y tế. Tới nay, bộ mặt các thôn, bản miền núi đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
Hiện Thanh Hóa vẫn còn hơn 35.000 hộ nghèo. Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về giảm nghèo; huy động các nguồn lực, giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉnh cũng phấn đấu đến cuối năm 2024, sẽ giảm còn 20.344 hộ nghèo; đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.