Tăng cường đào tạo nghề, thúc đẩy tạo việc làm
Đào tạo nghề cho hội viên nông dân (HVND) vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào DTTS, được các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh chú trọng, coi là nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) đã phối hợp cùng HND các huyện, thành phố khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, từ đó hỗ trợ dạy nghề và giới thiệu việc làm, giúp họ cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Trịnh Quang Bình, một hội viên DTTS tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG) ở thôn Nam Bãi, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế.
Với hơn 2ha vườn cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng. Ông Bình chia sẻ rằng, trước đây, vì thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cây trồng của gia đình thường gặp sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Thông qua HND xã, ông được tham gia các lớp đào tạo nghề trồng trọt và nuôi ong, cùng các khóa chuyển giao kỹ thuật. Ông cũng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, để đầu tư mua giống và vật tư nông nghiệp, nhờ đó mà mô hình kinh tế của gia đình phát triển ổn định.
Ông Trịnh Quang Bình chỉ là một trong hàng nghìn HVND được đào tạo, hướng dẫn nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, HND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tham mưu công tác đào tạo nghề tại địa phương. Trung tâm phối hợp cùng HND các huyện, thành phố điều tra nhu cầu học nghề của hội viên, đăng ký số lượng lớp và ngành nghề đào tạo, đồng thời tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và việc làm. Trên cơ sở này, các cấp hội liên kết với các đơn vị, để tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Sau mỗi khóa học, Trung tâm đánh giá chất lượng đào tạo và kết nối lao động tới các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, từ đầu năm đến nay, HND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm hoàn thiện hồ sơ cho 20 lớp đào tạo nghề trong năm 2023, với 700 học viên là lao động nông thôn. Đồng thời, Trung tâm cũng triển khai 6 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và dự kiến tổ chức 11 lớp đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng trong năm 2024. Những nỗ lực này không chỉ giúp hội viên tiếp thu kiến thức mới, mà còn góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình họ.
Góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững
Nhận thức giáo dục nghề nghiệp là yếu tố then chốt trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nghị quyết và đề án của tỉnh Hòa Bình luôn lấy "Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm" làm giải pháp đột phá. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện nhanh chóng và quyết liệt.
Từ định hướng rõ ràng và sáng tạo, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại Hòa Bình đã đạt kết quả ấn tượng. Năm 2023, tỉnh đã tạo việc làm cho 19.536 lao động (đạt 122% kế hoạch), trong đó 950 người đi làm việc ở nước ngoài (đạt 317% kế hoạch). Hơn 7.000 lao động được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, góp phần nâng cao khả năng kinh doanh và đầu tư sản xuất của nhiều người.
Các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho lao động, đặc biệt là con em đồng bào DTTS, tham gia học nghề và nâng cao kỹ năng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%, trong đó 25% có bằng cấp, chứng chỉ. Sau đào tạo, hơn 80% người lao động có việc làm, giúp cải thiện thu nhập và ổn định đời sống.
Với 86 thôn xóm đặc biệt khó khăn (trong đó có 38 thôn, xóm thuộc xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc xã khu vực II), Hòa Bình đã chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy của người dân về xóa đói giảm nghèo. Tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, để khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo.
Trong năm 2023, tỉnh đã đầu tư hơn 681,4 tỷ đồng vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đó hỗ trợ phát triển hạ tầng, đa dạng sinh kế và cải thiện sản xuất nông nghiệp cho các huyện khó khăn, như huyện Đà Bắc, mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội, như cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em… đã được thực hiện đầy đủ, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 12,29% xuống 9,37%. Huyện Đà Bắc, vùng khó khăn nhất, cũng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,94% xuống 26,84%.
Dù đạt nhiều thành quả, công tác giảm nghèo bền vững tại Hòa Bình vẫn đối diện thách thức như hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, biến động giá cả và nguy cơ tái nghèo cao. Một bộ phận người dân vẫn có xu hướng ỷ lại vào chính sách, chưa khai thác hết tiềm năng địa phương. Do đó, để tăng hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách phân bổ vốn linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các địa phương tự chủ trong phân bổ nguồn lực và thực hiện các dự án thiết yếu.