Đa dạng mô hình giảm nghèo
Từng có tên trong danh sách hộ nghèo của xã Bàn Đạt, năm 2016, được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135, gia đình chị Trịnh Thị Phương, dân tộc Sán Dìu, ở xóm Cầu Mành đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp.
Nhờ chịu khó học hỏi, chị Phương đã thành công với mô hình trồng ổi, mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Năm 2017, chị vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Phú Bình để đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà thương phẩm. Đồng thời, chuyển đổi phần diện tích còn lại của gia đình sang cây trồng có giá trị cao. Đến nay, gia đình chị không những thoát nghèo, mà còn trở thành hộ có mức thu nhập khá, với tổng thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Tân Hoà, gia đình anh Nguyễn Văn Quyết, ở xóm Hân, cũng từng là hộ nghèo. Năm 2016, gia đình anh được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Phú Bình để phát triển kinh tế. Qua 7 năm đầu tư cho chăn nuôi, đời sống của gia đình anh Quyết đã được cải thiện đáng kể. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi 1.000 con gà thương phẩm, 2 con bò 3B đến tuổi xuất chuồng và 2 con lợn nái.
Nhằm giúp hội viên phụ nữ nói chung và người dân trong xã nói riêng phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trên cơ sở đó giới thiệu, tín chấp cho chị em vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh… Đến nay, tổng số dư nợ do Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho hội viên vay gần 13 tỷ đồng tại 7 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đẩy mạnh nhiều hoạt động giảm nghèo bền vững
Tại xã Dương Thành, Hội Chữ thập đỏ xã vừa tổ chức trao tặng con bò nái cho gia đình ông Nguyễn Văn Đãng, hộ nghèo ở xóm Núi. Đây là con bò nái sinh sản thứ 2 được Hội Chữ thập đỏ xã trao tặng cho hộ nghèo, được trích từ nguồn Quỹ Hội. Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Ở các xã miền núi của huyện Phú Bình, xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế vườn đồi, kết hợp với chăn nuôi, hoặc các mô hình khép kín trong trồng rừng và chế biến gỗ…. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cộng với các kiến thức khoa học kỹ thuật được trang bị và tự hỏi học, đồng bào các DTTS đang từng bước thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo việc làm và thu nhập ngay tại địa phương.
Có thể nói, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho vùng DTTS tại huyện Phú Bình đang phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo đà bứt phá để Phú Bình vươn lên.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: “Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện giảm từ 15,35 năm 2010 xuống còn 5,4% năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với năm 2010, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tạo nền tảng ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội của huyện”.
Mới đây, huyện Phú Bình vừa có Quyết định phân bổ 8.678 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022. Trong tổng nguồn vốn trên, có 4.663 triệu đồng là nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 2.398 triệu đồng; vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1.617 triệu đồng. UBND huyện Phú Bình đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ, đúng kế hoạch.