Phụ nữ làm chủ cuộc sống
Tham gia Chiến dịch truyền thông “Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới năm 2024” do Hội LHPN huyện Chi Lăng tổ chức tại xã Bắc Thủy. Chị Lộc Thị Chỉ, dân tộc Nùng, thôn Khâm Phường, xã Bắc Thủy bày tỏ, những chương trình truyền thông như thế này chị thường tham gia đầy đủ bởi với chị, đây là chương trình để chính chị và các chị em phụ nữ được gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, trong ứng xử với các thành viên trong gia đình nhằm ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình… và đặc biệt giúp nâng cao tiếng nói của phụ nữ hơn.
Còn đối với chị Lạc Thị Nhung, dân tộc Nùng, hội viên phụ nữ thôn Háng Cút, những hoạt động của Hội LHPN các cấp rất thiết thực đối với chị em phụ nữ. Thông qua hoạt động truyền thông, giúp chị và các hội viên phụ nữ biết chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương nhau.
Chị Nhung cho biết, Chi hội phụ nữ thôn Háng Cút có 73 hội viên, những năm qua, tất cả các hội viên đều tích cực tham gia các hoạt động chung của chi hội, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động chung và dần khẳng định tiếng nói và vị thế của mình với của cộng đồng. Chị Nhung cười vui, hiện nay, nhiều gia đình do chính các chị em phụ nữ làm chủ, giải quyết mọi công việc lớn nhỏ, tham gia hoạt động đối nội, đối ngoại… Do đó có thể nói, phụ nữ ngày càng có tiếng nói và vấn đề bạo lực gia đình cũng hạn chế xảy ra.
Tiếp lời chị Lạc Thị Nhung, chị Vi Thị Tươi thôn Bắc Phù bày tỏ, hiện chị là Phó bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Mặt trận thôn và Chi hội trưởng phụ nữ thôn nên chị thường đi sớm về muộn, nhưng chồng vẫn thoải mái và còn hỗ trợ công việc gia đình để chị hoàn thành tốt công tác xã hội.
Chị Tươi cho biết, Chi hội phụ nữ thôn Bắc phù có 60 hội viên. Những năm qua, nhờ triển khai tích cực các nội dung của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 đã giúp hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chị Tươi minh chứng, các hội viên phụ nữ không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình mà còn cùng hỗ trợ nhau, giúp nhau phát triển kinh tế.
Cụ thể, năm 2024, Chi hội có 2 hội viên bị ốm, tất cả các thành viên trong tổ hội viên đã đến hỗ trợ gặt; cũng trong năm 2024, Chi hội có 1 hội viên được hỗ trợ nhà ở, các hội viên trong Chi hội đã đến giúp đỡ ngày công, tháo dỡ, dọn dẹp để gia đình tiết kiệm chi phí, dành nguồn lực xây dựng nhà mới khang trang hơn…
Với tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế của Chi hội cũng thay đổi thái độ nhìn nhận của người chồng, cha mẹ chồng và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng trong tham gia các hoạt động của Chi hội phụ nữ, cũng từ đó mà vị thế, tiếng nói của chị em phụ nữ cũng được khẳng định.
Vị thế phụ nữ dần được khẳng định
Theo báo cáo của UBND huyện Chi Lăng, triển khai thực hiện Dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình MTQG 1719, trong năm 2024, huyện Chi Lăng đã ra mắt 19 tổ truyền thông cộng đồng tại xã Vân An, Chiến Thắng, Bắc Thuỷ; tổ chức tuyên truyền, vận động phụ nữ đến sinh con tại cơ sở y tế tại 12 xã (Vân An, Bằng Hữu, Vân Thủy, Lâm Sơn, Chiến Thắng, Thượng Cường, Đồng Mỏ, Bắc Thủy, Hữu Kiên, Liên Sơn, Quan Sơn, Y Tịch) được 12 cuộc có 840 người tham dự.
Tổ chức 1 cuộc liên hoan văn nghệ phát huy bản sắc tốt đẹp các DTTS, hành động vì bình đẳng giới huyện Chi Lăng năm 2024, với gần 250 người tham dự. Tổ chức Hội nghị tập huấn địa chỉ tin cậy cộng đồng đợt 1 năm 2024 cho 50 thành viên xã Vân Thuỷ, Lâm Sơn, Vân An, Liên Sơn, Bằng Hữu. Ra mắt 2 địa chỉ tin cậy tại xã Chiến Thắng, Hữu Kiên.
Triển khai Nội dung 3 về Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, Hội LHPN huyện Chi Lăng đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng; Ra mắt 1 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Chi hội phụ nữ thôn Hợp Nhất, xã Lâm Sơn. Tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, tập huấn với 272 người tham dự nhằm nâng cao năng lực, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng…
Có thể nói, từ triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS trên địa bàn huyện Chi Lăng.