Còn nhiều diễn biến phức tạp
Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, dân số 75.960 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 84%, gồm dân tộc Nùng chiếm 48,9%, dân tộc Tày chiếm 34%, còn lại là các DTTS khác. Trên địa bàn huyện Chi Lăng có 20 xã, thị trấn, thì còn 8 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Với đặc thù này, huyện Chi Lăng vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có một phần do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế.
Theo Báo cáo của UBND huyện Chi Lăng, 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn toàn huyện xảy ra 25 vụ phạm pháp hình sự, đã điều tra, làm rõ 24/25 vụ 59 bị can. Bắt, xử lý 08 vụ 45 đối tượng đánh bạc (giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm 2023), thu giữ trên 20.000.000 đồng và tang vật liên quan; bắt, xử lý 02 vụ 07 đối tượng chứa chấp, mua bán dâm (06 tháng đầu năm 2023 không phát hiện hoạt động mại dâm).
Bắt, khởi tố 18 vụ 22 bị can phạm tội về ma túy (giảm 05 vụ so với cùng kỳ); thu giữ 02 gam heroin và tang vật liên quan. Ngoài ra, phát hiện, bắt 01 vụ 01 đối tượng trồng 259 cây thuốc phiện, đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định xử phạt hành chính, với số tiền 7.500.000đ. Lập hồ sơ đưa 17 trường hợp vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc tỉnh Lạng Sơn.
Đã khởi tố 04 vụ 05 bị can phạm tội về kinh tế, môi trường (tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Phát hiện, bắt giữ, xử lý 16 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế (giảm 09 vụ so với cùng kỳ); 25 vụ vi phạm pháp luật về môi trường ( giảm 02 vụ so với cùng kỳ). Thu giữ hàng hóa trị giá khoảng 4,4 tỷ đồng, 1.125,9 kg pháo…
Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm 09 người chết, 31 người bị thương (tăng 14 vụ, giảm 03 người chết, tăng 20 người bị thương so với cùng kỳ). Ngoài ra, còn có nhiều vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện, trộm cắp, đánh nhau gây thương tích…
Trước tình hình liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự với nhiều diễn biến phức tạp, huyện Chi Lăng đã tập trung quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong vùng đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức khác nhau, với nhiều đối tượng khác nhau.
Cụ thể như: Tổ chức hội nghị truyền thông về Trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật nhằm giới thiệu, phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật; tổ chức hội nghị truyền thông về tăng cường nâng cao hiểu biết pháp luật về trợ giúp pháp lý, pháp luật về đất đai; hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan…
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Chi Lăng cho biết, trong những năm qua, Phòng Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản triển khai công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, Hòa giải ở cơ sở; Kịp thời kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) huyện, đội ngũ báo cáo viên pháp luật của huyện khi có thay đổi.
Là cơ quan thường trực của Hội đồng PHPBGDPL, Phòng đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền PBGDPL thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: mở Hội nghị, các cuộc họp, sinh hoạt "Ngày pháp luật" của các cơ quan, đơn vị; sinh hoạt các câu lạc bộ; sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, thôn, bản, khu phố, tổ chức Hội thi, khai thác tủ sách pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng, hòa giải ở cơ sở, Ngày pháp luật...
Thông qua hoạt động tuyên truyền PBGDPL chất lượng giải quyết công việc của cán bộ, công chức được nâng lên, hiểu biết pháp luật của Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.
Năm 2024, Phòng Tư pháp đã tổ chức 07 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 1223 người nghe. Phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, Công an huyện và Huyện đoàn tổ chức 02 phiên tòa giả định tại trường PTDT Nội trú và trường THPT Chi Lăng về tuyên truyền pháp luật phòng chống, tệ nạn xã hội, ma túy, phòng cháy, chữa cháy cho hơn 300 học sinh tham dự.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Phòng Tư pháp đã phối hợp với Điện lực Chi Lăng, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức 10 Hội nghị truyền thông; 12 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 2000 đại biểu tham dự. Tổ chức 03 Hội nghị hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại xã Mai Sao, Bắc Thủy, thị trấn Đồng Mỏ có hơn 300 đại biểu dự.
Thực hiện Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn triển khai nội dung cuộc thi đến cán bộ, công chức, Nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng các cuộc thi.
Tổng hợp kết quả 4 tuần thi, huyện Chi Lăng có 9.230 người đăng ký tham gia cuộc thi, với 13.288. lượt người tham gia cuộc thi. Kết quả giải thưởng, có 9 cá nhân được giải (gồm 01 giải nhất, 02 giải nhì, 02 giải ba; 04 giải khuyến khích), huyện Chi Lăng đạt giải nhì tập thể.
Tham mưu Hội đồng thi đua khen thưởng huyện trình Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen cho 01 tập thể; 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tích cực tuyên truyền phổ biến trên mạng xã hội (facebook: Tư Pháp Chi Lăng; trang thông tin điện tử PBGDPL của Sở Tư pháp) về các chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Có thể thấy, bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong công tác PBGDPL đã và sẽ góp phần giúp đồng bào DTTS huyện Chi Lăng nâng cao khả năng nhận thức pháp lý, sự hiểu biết pháp luật, hình thành tri thức pháp luật, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; kịp thời ngăn ngừa các hành vi, vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện bền vững.