Trao “cần câu”
Dẫn chúng tôi đi thăm gia đình anh Lăng Văn Nhất, sinh năm 1992, dân tộc Nùng, thôn Hợp Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Nông Văn Chung cho hay, gia đình anh Nhất là hộ nghèo nhiều năm liền, nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó vươn lên, cuộc sống gia đình anh Nhất đã được nâng lên rõ rệt.
Trải qua nhiều khúc cua gấp từ con đường liên xã, giữa thung lũng nhỏ hiện lên một ngôi nhà khá lớn vừa mới xây xong, đó là nhà anh Lăng Văn Nhất. Vui vẻ đón chúng tôi tại căn nhà chính vừa mới xây, anh Lăng Văn Nhất phấn khởi báo cáo với Đoàn công tác, năm 2023 gia đình anh được hỗ trợ 4 con dê từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, trong đó, có 1 dê đực và 3 dê cái. Đầu năm nay, 3 con dê cái đã đẻ và dê con đang kỳ sinh trưởng rất tốt, nâng tổng số dê là 7 con. Ngoài số dê được hỗ trợ, anh cũng nuôi thêm 1 đàn dê hơn chục con.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn của gia đình, anh Nhất cho biết, cũng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, năm 2024, gia đình anh được hỗ trợ 55 cây măng bát độ, 750 kg phân hữu cơ 15kg phân hóa học NPK. Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, hiện nay cây đang sinh trưởng phát triển rất tốt, có nhiều cây đã mọc lên mầm măng nhỏ. Anh Nhất cười vui, anh sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để sớm có măng bán. Anh nói vui, nếu năm sau chúng tôi quay trở lại, cứ theo đà này chắc chắn sẽ có măng để ăn và anh sẽ biếu chúng tôi một vài cây để mang về dùng.
Để có nhiều nguồn thu nhập, gia đình anh Nhất còn nuôi thêm đàn trâu, đàn lợn, đàn vịt, nấu rượu men lá, trồng cây thông lấy nhựa… Năm 2023, khi nhựa thông được giá, gia đình anh đã thu về được một khoản tiền khá lớn để từ đó, gia đình anh có đủ số tiền để tự xây cho mình căn nhà mới khang trang như bây giờ.
Với tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên, cùng với sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước, sau nhiều năm dài là hộ nghèo, năm 2023 gia đình anh Nhất đã thoát khỏi hộ nghèo, là hộ cận nghèo năm 2024 và nỗ lực thoát khỏi hộ cận nghèo trong những năm tới.
Thông tin với chúng tôi về dự án hỗ trợ giống cây măng, ông Nông Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho hay, cùng thôn Hợp Nhất đã có gia đình của anh Trưởng thôn trồng cây măng và cho thu nhập khá, do vậy, UBND xã xác định đây là giống cây hợp thổ nhưỡng của địa phương nên đã triển khai hỗ trợ giống cây cho các hộ nghèo.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, năm 2024, xuất phát từ nhu cầu của người dân và khí hậu thổ nhưỡng trên địa bàn xã, UBND xã đã đăng ký thực hiện dự án Trồng tre lấy măng với hy vọng xây dựng được mô hình mới về kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, nhất là những hộ gia đình nghèo.
Theo đó, UBND xã đã hỗ trợ 18 hộ tham gia (5 hộ nghèo; 4 hộ cận nghèo; 9 hộ mới thoát nghèo) với tổng số tiền 158 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND xã Lâm Sơn còn hỗ trợ 70 triệu đồng để mua sắm máy móc, nông cụ sản xuất cho 7 hộ nghèo.
Thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào DTTS
Theo báo cáo của UBND huyện Chi Lăng, triển khai nội dung Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, thuộc Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, năm 2024, Chi Lăng được giao 890 triệu đồng. Đợt 1, huyện Chi Lăng đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 70/89 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ. Đã có 70/70 hộ được cấp nông cụ, máy móc; kinh phí đã thực hiện giải ngân 700 triệu đồng, đạt 78,65%. Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc đang thẩm định, tổng hợp trình phê duyệt đợt 2, dự kiến đến cuối năm đạt 100% kế hoạch giao.
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, tổng kinh phí năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang là 1.034 triệu đồng, trong đó có 92,98 triệu đồng là kinh phí do các xã thực hiện đấu thầu dư, kinh phí còn lại là thực hiện các dự án: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây tại các xã Bắc Thủy, Vân An, Chiến Thắng, Lâm Sơn, Vân Thủy; dự án chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Liên Sơn; dự án trồng và chăm sóc cây dưa các loại tại xã Chiến Thắng, đã thực hiện xong khối lượng công việc. Đến thời điểm báo cáo, đã thực hiện giải ngân được 746 triệu đồng, đạt 72,15%.
Năm 2024, kinh phí giao là 5.005 triệu đồng, toàn huyện thực hiện 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; 07 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng giao cho các UBND các xã làm chủ đầu tư.
Đến nay, hầu hết các dự án đều đạt tỷ lệ giải ngân cao, trên 85%, tạo được việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ nghèo người DTTS. Tiêu biểu như: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ hồi Chi Lăng được giao 525 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm giải ngân được 96%. Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na theo tiêu chuẩn Vietgap trên địa bàn huyện Chi Lăng được giao 463 triệu đồng. Dự kiến liên kết tiêu thụ 19,0 ha Na tại xã Bằng Hữu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án, đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến đến hết năm 2024 giải ngân được trên 90%;…
Có thể thấy rằng, từ việc chỉ đạo, định hướng của UBND huyện Chi Lăng trong việc hỗ trợ phát triển sinh kế của địa phương, đã giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi phương thức sản xuất, phát triển những loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững.