Xã Kháng Nhật được mệnh danh là “thủ phủ” dưa chuột. Trên nhiều cánh đồng, bạt ngàn một màu xanh tươi mát với những giàn dưa chuột trĩu quả đang vươn mình trong tiết trời đông, hứa hẹn cho một mùa bội thu. Người dân không quản ngại tiết trời lạnh giá ra đồng, niềm vui trên từng khuôn mặt khi gặt hái những quả dưa chuột thành phẩm, các giàn dưa phát triển đều và tốt.
HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh hiện có 38 thành viên tổ chức sản xuất và ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ dưa chuột với trên 1.200 hộ trồng với 170 ha dưa chuột trên địa bàn tỉnh. HTX cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng theo hợp đồng ký liên kết.
Chị Vi Thị Mai, thôn Ba Khe, xã Kháng Nhật đang chăm sóc, thu hoạch 8 sào dưa chuột để chuẩn bị cân cho HTX thu mua. Chị Mai chia sẻ: “Nhiều năm qua, gia đình tôi trồng dưa chuột vụ đông, bởi hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đến thời điểm này thời tiết khá thuận lợi nên cây dưa chuột sinh trưởng, phát triển đều, cho năng suất cao, được giá. Dưa chuột đang thời điểm ngon, vợ chồng tôi cùng thành viên trong HTX đang thu hoạch và bán ra với giá 6 - 8 nghìn/kg. Ước tính vụ đông năm nay sẽ thu hoạch độ hơn 10 tấn dưa chuột”.
Một trong những HTX tham gia tích cực vào việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa. Giám đốc HTX Bùi Văn Hoàng, chia sẻ: "HTX có 13 thành viên và hơn 50 hộ liên kết trồng 40 ha cà gai leo, giải quyết việc làm cho 100 lao động làm nông nghiệp ở 3 xã Hợp Hòa, Văn Phú, Quyết Thắng. Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Ngoài ra, HTX phát triển thêm các sản phẩm cao cà gai leo”.
Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có mặt trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, trên các trang thương mại điện tử. Doanh thu của HTX mới đạt trên 300 triệu đồng/năm. Từ nay đến hết năm 2025, HTX sẽ mở rộng quy mô với việc đang đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến để sản xuất thêm các sản phẩm phù hợp, tiện dụng hơn với thị trường.
Từ đầu năm đến nay, huyện Sơn Dương đã thực hiện 5 chuỗi trồng trọt liên kết theo chuỗi giá trị thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện cũng đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, triển khai sản xuất vụ mùa; xây dựng phương án sản xuất vụ đông năm 2024... Ngoài ra, việc chú trọng quy trình canh tác, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống rét bảo vệ cây trồng khi có băng giá và sương muối; sử dụng phân bón cho các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, giai đoạn sinh trưởng phát triển của từng loại cây trồng cũng được chú trọng.
Có thể thấy, HTX có vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội tại Sơn Dương; nhất là các HTX nông nghiệp ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao. Các HTX này đã tổ chức được nhiều hoạt động cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra; tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên và nhân dân trong vùng an tâm sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro, gia tăng lợi nhuận; là điểm sáng quan trọng trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững tại Sơn Dương.
Thời gian tới, huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ban hành các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, khuyến khích việc hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục việc thiếu vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp.