Xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là nơi sinh sống của gần 100% đồng bào DTTS. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ vùng ĐBKK và hộ nghèo, nhưng do xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên cái đói, cái nghèo còn đeo bám người Bản Máy.
“Với Chương trình MTQG, chúng tôi sẽ giải quyết được những khó khăn ở địa phương, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản… Xã sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm thực hiện tốt Chương trình MTQG, giải quyết sớm bài toán sinh kế cho đồng bào DTTS”, ông Nguyễn Quang Duẩn, Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy bày tỏ.
Là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) rất vui mừng khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG.
Ông Bế Trọng Hàm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trùng Khánh chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, Chương trình MTQG sẽ là “cú hích” đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống đồng bào DTTS. Với niềm tin tưởng đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm hoàn thành sớm các mục tiêu của Chương trình MTQG”.
Một trong những điều kiện thuận lợi khi bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG là những kinh nghiệm, bài học từ việc triển khai các chính sách dân tộc trước đây, như CT135, CT134, Nghị quyết 30a. Với những chương trình, chính sách này, cán bộ thực hiện chính sách dân tộc được đào tạo bài bản.
Như ở tỉnh Cao Bằng, trong năm 2020, thực hiện Dự án Nâng cao năng lực cán bộ (Chương trình 135), đã có 51 lớp/3.735 lượt học viên là cán bộ, công chức cấp xã; đoàn thể, cộng đồng được tham gia tập huấn với nhiều nội nội dung thiết thực. Cụ thể, như: Quy trình triển khai dự án phát triển sản xuất; Công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghiệp vụ duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư; Công tác quản lý tài chính và thủ tục thanh quyết toán...
“Qua đào tạo, cán bộ cơ sở đã được trang bị nhiều kiến thức bổ ích, từ đó áp dụng vào thực tiễn quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Đây chính là những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để tỉnh Cao Bằng tự tin triển khai các hợp phần của Chương trình MTQG”, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng khẳng định.
Thời cơ mới, vận hội mới
Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG với nhiều nội dung lớn; được thực hiện trong 10 năm sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến bày tỏ: Chương trình MTQG là quyết sách mang dấu ấn lịch sử, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; là tình cảm sâu nặng của Nhân dân cả nước đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi. Cán bộ, đảng viên và đồng bào rất vui mừng, phấn khởi, đón nhận Chương trình MTQG như một “luồng sinh khí mới”, trân trọng, nâng niu như “một báu vật”.
Thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất, trong các cuộc làm việc với địa phương, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến luôn yêu cầu, các tỉnh cần ra Nghị quyết, Chỉ thị về việc thực hiện Chương trình MTQG. Giao cho Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, tăng cường nhân lực, từ đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình MTQG.
Ngay trước Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đã đưa những nội dung, mục tiêu trọng tâm của Chương trình MTQG vào Chương trình hành động, ban hành nghị quyết để thống nhất ý chí và hành động trong thực hiện.
Điển hình như tỉnh Lạng Sơn, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa Chương trình MTQG vào chương trình hành động, ban hành nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025. Bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khẳng định: “Chương trình MTQG sẽ tạo đột phá cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Vì vậy, Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai, phân cấp, gắn trách nhiệm cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; bảo đảm tính khả thi, những cơ chế đặc thù với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện tốt Chương trình MTQG, đem lợi ích tốt nhất cho đồng bào DTTS trong thời gian tới”.
Mục tiêu của Chương trình MTQG là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản ĐBKK. Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm giảm trên 3%, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK. Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%./.