Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng:
Chương trình là cơ hội để phấn đấu cho các nhiệm vụ của công tác dân tộc trong 5 và 10 năm tới
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhiều nhất là dân tộc Khmer. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm tới 48,42% nếu so với tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh. Sóc Trăng vẫn còn tới 33 xã khu vực III; 158 ấp đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc xã khu vực II; 14 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 9 xã An toàn khu.
Hiện nay, kinh tế của đồng bào DTTS chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phần lớn người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hạn chế nên đời sống còn nhiều khó khăn; KT-XH phát triển chậm so với tốc độ chung của tỉnh; hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém, nhất là tình trạng không có đất ở, nhà ở, điện, nước sinh hoạt trong một bộ phận dân cư. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp. Tỷ lệ số hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Đây cũng là thực trạng chung của các vùng DTTS và miền núi trên địa bàn cả nước.
Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn, tồn tại trên và chắc chắn đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn cả nước nói chung, đồng bào DTTS Sóc Trăng nói riêng sẽ được nâng lên một bước. Do đó, chúng ta cần nắm bắt, xem quá trình thực hiện Chương trình là cơ hội để phấn đấu cho các nhiệm vụ của công tác dân tộc trong 5 và 10 năm tới.
Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình):
Nguồn vốn từ Trung ương dẫn dắt, khai thông nguồn lực địa phương
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần tập trung vào một số giải pháp trên cơ sở phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Đặc biệt là, tăng cường nguồn đầu tư và hỗ trợ từ Trung ương với vai trò dẫn dắt và khai thông các nguồn lực địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tập trung thực hiện, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, các đề án của Chính phủ liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và quan tâm hỗ trợ thị trường lao động, tạo việc làm cho những sinh viên là người DTTS sau tốt nghiệp đại học. Đổi mới chế độ tuyển dụng và sử dụng lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi triển khai đến người dân…
Đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang (Quảng Bình):
Thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS và miền núi là yếu tố quan trọng
Việc nắm bắt đầy đủ thông tin và thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS và miền núi trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, chính sách, là yếu tố quan trọng, quyết định một phần cho sự thành công của mỗi chương trình, chính sách. Để thực hiện điều này, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được các cấp, các ngành coi trọng, là bước tiên phong và xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, là một Chương trình lớn trong giai đoạn hiện nay, cần phải có một cơ quan chủ trì để quản lý, giám sát hiệu quả việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; cần tăng cường vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong công tác tuyên tuyền. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vừa là người có trình độ chuyên môn, vừa phải là người thực sự có nhiệt huyết, am hiểu về đời sống, phong tục, tập quán, sâu sát với đồng bào DTTS thì mới có thể tuyên truyền, vận động làm đồng bào thay đổi nhận thức được. Do vậy, việc tập trung đào tạo con em vùng đồng bào DTTS để tham gia vào công tác tại địa phương là rất cần thiết.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An):
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo đặc thù của từng vùng DTTS và miền núi
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã thể hiện sự nhân văn, sự chia sẻ khó khăn, đặc biệt quan tâm tới vùng DTTS và miền núi. Chủ trương này đã tạo được niềm tin, kỳ vọng của đồng bào các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình là động lực phát triển rất lớn cho đồng bào các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ.
Theo cá nhân tôi, khi triển khai Chương trình vào thực tiễn cuộc sống, Chính phủ cần xác định rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn nhất để đầu tư. Đặc biệt, quá trình đầu tư cần áp dụng một số cơ chế đặc thù trên cơ sở phân cấp trao quyền; công khai dân chủ, huy động cả hệ thống chính trị theo dõi, giám sát, bảo đảm thắng lợi mục tiêu. Trên cơ sở đó, cần có giải pháp thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách… để tăng hiệu quả đầu tư.
Nhìn từ thực tế huyện nghèo 30a Kỳ Sơn, Chính phủ cần quan tâm đến sinh kế trước mắt và lâu dài cho đồng bào DTTS. Gắn với đó là giải quyết tốt đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp để kích thích sản xuất phát triển. Đáng lưu ý, vấn đề đất ở, đất sản xuất, di dân khỏi vùng nguy cơ sạt trượt cho đồng bào DTTS cần phải được giải quyết tốt hơn bởi khi đồng bào thực sự an cư thì họ mới chăm lo đến phát triển kinh tế.
Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai:
Tham mưu tích cực, trách nhiệm để thực hiện hiệu quả Chương trình
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với những nội dung thiết thực, cụ thể đã đáp ứng kỳ vọng, lòng mong mỏi nhiều năm của đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai.
Để chủ động, thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương. Đến thời điểm này, cơ bản các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đã thể hiện vai trò trách nhiệm, tham gia tích cực vào dự thảo của UBND tỉnh. Đây cũng chính là cơ sở để sau khi chương trình, kế hoạch của tỉnh được phê duyệt thực hiện hiệu quả.
Cuối tháng 10 vừa qua, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBDT tại Hà Nội, tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị với UBDT một số nội dung như: Cần xem xét tiêu chí phân định đối với các xã đã hoàn thành NTM được xếp là khu vực II, nhưng một số tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu vào diện đầu tư. Cho phép Lào Cai thực hiện thí điểm “Đề án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng ĐBKK, vùng biên giới”; bố trí vốn xây dựng Trạm y tế cho 10 xã ĐBKK thuộc hai huyện Bắc Hà, Si Ma Cai; quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu, việc giao đất giao rừng cho Nhân dân khu vực biên giới… Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cơ bản nhất trí và đồng thuận.
Với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và với sự chủ động trong công tác tham mưu của các cơ quan liên quan, chắc chắn việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ đạt được kết quả như mong đợi.