Chủ trương lớn, ý nghĩa thiết thực
Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa... và một số chỉ tiêu cơ bản khác được quy định cụ thể trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo Nghị định 28, các nội dung vay được quy định cụ thể đối với từng mục đích vay, bao gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Nguồn vốn vay sẽ được giải ngân đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch; rà soát để hướng dẫn nguyên tắc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn theo Nghị định 28 hoặc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất đối với khách hàng đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại NHCSXH.
Tính đến hết tháng 2/2023, Chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 có tổng dư nợ đạt hơn 977 tỷ đồng, với hơn 19.000 khách hàng được vay vốn.
Đối với nguồn vốn vay đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, các đối tượng vay vốn được quy định cụ thể như: Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người DTTS, tham gia vào dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý; dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hơn 19.000 lượt khách hàng được vay vốn
Gia đình ông Lò Văn Mục, khu 1, xã Vân Tùng (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) vui mừng chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn vốn của năm 2022, gia đình ông được giải ngân từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngân Sơn cho vay 40 triệu đồng, gia đình đã vay mượn thêm để xây được căn nhà mới, mái lợp tôn chắc chắn, đến nay đã được xây dựng xong. Năm vừa rồi, gia đình có nhà mới đón Tết Quý Mão là niềm hạnh phúc lớn của gia đình.
Hay như gia đình anh Y Thơi Niê, dân tộc Ê Đê ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Mặc dù có đất nhưng gia đình anh chị chỉ tỉa bắp hoặc trồng sắn. Sau khi làm hồ sơ vay vốn theo Nghị định 28, anh Y Thơi Niê được NHCSXH giải ngân cho vay 60 triệu đồng với lãi xuất 3,3%/năm, trong 10 năm để chuyển đổi sang trồng cà phê và cây ăn trái.
Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk cho biết: Do điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cho nên hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chiếm tỷ lệ cao, cần được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách. Đối với Nghị định 28 của Chính phủ, đây là một trong những nguồn lực hỗ trợ quan trọng và có thể nói là một chính sách hết sức nhân văn, bởi thời hạn cho vay và lãi suất cho vay đều thuận lợi. Một số doanh nghiệp, Hợp tác xã cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay này để phát triển cây dược liệu, góp phần giải quyết được lao động tại chỗ. Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân theo Nghị định 28 gần 19 tỷ đồng cho 351 hộ vay trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo NHCSXH, chương trình cho vay hỗ trợ theo Nghị định số 28 của Chính phủ là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, nhân văn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Ước mơ có ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, có đất sản xuất, có vốn để chuyển đổi nghề, đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị... đã thành hiện thực và đó chính là động lực giúp đồng bào DTTS và miền núi trên địa cả nước an cư lạc nghiệp để tập trung lao động sản xuất, từng bước giảm nghèo./.