Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, công tác tổ chức của Hội được củng cố và có bước phát triển, quy tụ được đông đảo những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, công tác Đảng, quản lý Nhà nước, hoạt động công tác dân tộc học và nhân học đã nghỉ hưu hoặc đang công tác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong 5 năm, Hội đã kết nạp được 85 hội viên, nâng tổng số hội viên của Hội đến nay lên 201 hội viên.
Trong quá trình hoạt động, Hội luôn xác định hoạt động khoa học, xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án là nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội đã tổ chức khảo sát và xây dựng được nhiều đề án, dự án như: Đề án bảo tồn văn hóa dân gian về truyền thuyết, hát, múa, nhạc của dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa; vận động Nhân dân 4 xã Thành Lâm, Thành Sơn, Kỳ Tân, Lương Trung (Bá Thước) thực hiện dự án Bảo vệ rừng cộng đồng và tạo sinh kế cho người DTTS do các tổ chức quốc tế tài trợ đạt kết quả tốt...
Cùng với đó, Hội đã quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, phổ biến kiến thức cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thông qua việc dạy chữ Thái và chữ Nôm Dao. Từ năm 2017 - 2022, Hội đã tham mưu cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các huyện, xã và các nghệ nhân dân tộc Dao mở 27 lớp học chữ Nôm Dao, thu hút 975 học viên là đồng bào dân tộc Dao của tỉnh tham gia học; mở 77 lớp dạy tiếng Thái, chữ Thái cho 6.540 học viên là đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh tham gia học. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở các làng, bản và xây dựng nông thôn mới.
Hội cũng tích cực tổ chức các cuộc hội thảo và tham gia các cuộc hội thảo của Trung ương và tỉnh tổ chức. Các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn tri thức bản địa và bản sắc văn hóa các dân tộc, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh được hội quan tâm thực hiện tốt.
Nhiệm kỳ 2022 - 2027, hội đặt ra mục tiêu kết nạp thêm 60 - 70 hội viên, thành lập thêm 1 - 2 chi hội trực thuộc. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án; thực hiện tốt công tác đào tạo, phổ biến kiến thức và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục; thực hiện tốt các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội…
Phát biểu tại Đại hội, PGs.Ts. Lâm Bá Nam - Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa trong việc sưu tầm, nghiên cứu lịch sử và bảo tồn bản sắc văn hoá các DTTS… Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới,Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đề nghị Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức hội vững mạnh trên cơ sở tập hợp, gắn kết các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là các đề tài, dự án, chính sách về dân tộc và miền núi; phối hợp với các huyện miền núi tiếp tục mở các lớp dạy chữ Nôm Dao, Thái… cho đồng bào DTTS.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa III, nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 15 người. Ông Trần Văn Thịnh được bầu làm Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Tại Đại hội, 2 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc đã được nhận Bằng khen của Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; 1 tập thể và 3 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã tặng Giấy khen cho 3 cá nhân; Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa tặng Giấy khen cho 1 tập thể, 10 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của hội giai đoạn 2017 - 2022.