Tham dự Hội thảo có PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV; TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, TS. Lê Minh Anh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội… cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu, cựu sinh viên và sinh viên đang học tập tại khoa Nhân học .
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 35 tham luận trong số hàng trăm tham luận gửi về để tham gia xét duyệt. Hội thảo chia làm 3 phiên thảo luận, trong đó phiên khai mạc được bắt đầu bằng báo cáo đề dẫn Nhân học với việc xây dựng chính sách dân tộc của PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. Nội dung tham luận chỉ ra rằng, những kết của nghiên cứu của ngành Dân tộc học/Nhân học là gợi ý quan trọng cho Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Phiên thứ hai, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và phát triển dưới góc nhìn nhân học. Trong đó các đại biểu đi sâu vào phân tích về vai trò kinh tế hộ gia đình, luật tục và sở hữu, thừa kế đất đai trong cộng đồng người Gia Rai, cư dân ven biển Đà Nẵng, nhà ở tập thể...
Tại phiên thứ ba, các báo cáo đề cập đến các vấn đề văn hóa, môi trường và phát triển dưới góc nhìn nhân học. Các tham luận đi sâu vào tìm hiểu di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bản sắc văn hóa của người Thái ở Tây Bắc, bảo tồn dân ca quan họ ở Bắc Ninh…
Bế mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Nhân học khẳng định, kết quả của Hội thảo sẽ là những gợi ý thiết thực cho các cơ quan xây dựng chính sách, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.