Chạy đua với thời gian
Ngày 27/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 775/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020. Một trong những nội dung của quyết định là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT trên phạm vi cả nước đang đầu tư dang dở.
Ngoài ra, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.070 trường và điểm trường bán trú sẽ được hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế cho học sinh; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng cho 1.045 nhà ăn, nhà bếp, 1.045 khu nội trú học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK;…
Đây được xem là một chính sách rất quan trọng để phát triển giáo dục vùng DTTS, vùng ĐBKK. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện (2016-2020) đã bị rút lại chỉ còn 1/2 (tính tại thời điểm ban hành quyết định; đó là chưa kể việc cơ quan chủ trì sẽ phải thêm thời gian xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương). Như vậy, liệu việc triển khai chính sách có đạt tiến độ mục tiêu như đề ra?
Băn khoăn này là có cơ sở bởi trước đó, Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011-2015 cũng đã được phê duyệt tại Quyết định 1640/QĐ-TTg, ngày 21/9/2011. Nhưng gần 2 năm sau, ngày 10/4/2013, liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 40/2013/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện.
Vì triển khai muộn nên đến năm 2015, nhiều mục tiêu được quy định tại Quyết định 1640/QĐ-TTg không đạt. Số liệu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 1640/QĐ-TTg (được tổ chức ngày 28/12/2015) cho thấy, các mục tiêu trọng tâm của Đề án mới chỉ đạt được từ 70% đến 75% so với kế hoạch.
Đáng chú ý, đến năm 2015, cả nước chỉ thành lập mới thêm được 14 trường PTDTNT so với năm 2011; nguồn kinh phí của Đề án phần lớn dùng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các trường PTDTNT hiện có. Sau khi Đề án kết thúc, vẫn còn 19 trường PTDTNT xây dựng dở dang; ngoài ra còn hàng nghìn điểm trường, phân hiệu thiếu phòng học, nhà ăn, phòng ở và trang thiết bị học tập tối thiểu.
Việc thực hiện Quyết định 1640/QĐ-TTg không đạt nhiều mục tiêu trọng tâm là bài học thực tiễn cần rút kinh nghiệm để triển khai Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018.
Cần tập trung nguồn lực
Khi thực hiện Quyết định 1640/QĐ-TTg, một trong những nguyên nhân khiến nhiều mục tiêu không đạt là do nguồn lực bố trí không đủ. Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, ngoài kinh phí từ ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng được hơn 50% tổng nhu cầu vốn thì ngân sách địa phương cũng chỉ đáp ứng được gần 13% vốn đối ứng.
Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn theo Quyết định 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 là 4.401,696 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 5.100 tỷ đồng). Trong đó, ngân sách Trung ương bảo đảm 3.401,696 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng.
Ở giai đoạn trước, thực hiện Quyết định 1640/QĐ-TTg, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ, một số địa phương chưa ưu tiên bố trí vốn để thực hiện đề án, nguồn tài chính hạn hẹp, trong khi dự án kéo dài, mức trượt giá cao, dẫn đến kinh phí xây dựng tăng cao so với mức được duyệt...
Trong điều kiện hiện nay, rất nhiều địa phương, dù rất nỗ lực nhưng rất khó xoay xở vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có đầu tư cho giáo dục.
Phải khẳng định, thời gian qua, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống các trường PTDTNT đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với hệ thống 308 trường PTDTNT ở 50 tỉnh thành trên cả nước, hằng năm tổ chức nuôi dạy được 88.219 học sinh. Trung bình hằng năm hơn 50% học sinh các trường PTDTNT tốt nghiệp trung học phổ thông thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng, gần 20% đi học cử tuyển và dự bị đại học, khoảng 30% vào học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.
Với nền tảng đó, Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 được đánh giá sẽ là “cú hích” để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi. Để Chương trình sớm triển khai, thiết nghĩ, cơ quan chủ trì cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương sớm xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương sớm xây dựng phương án bố trí kinh phí để khi có hướng dẫn là bắt tay thực hiện ngay. Có như vậy, Chương trình mới đạt mục tiêu đề ra.
SỸ HÀO