Làm giàu từ kinh tế hộ gia đình
Ông Trần An Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình đã chia sẻ với báo Dân tộc và Phát triển: Sau giải phóng, lần lượt những tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng, Quốc lộ 12A, tỉnh lộ 10, 16… đi qua vùng đồng bào DTTS dần được đầu tư xây dựng. Điều kiện kết nối vùng thuận lợi, miền xuôi và miền ngược gần nhau hơn. Theo đó, đồng bào các DTTS ở trên dãy Trường Sơn cũng đã tận dụng điều kiện này vươn lên phát triển kinh tế mạnh mẽ, góp sức xây dựng bản làng ngày càng được khang trang.
Trong hành trình ngược dãy Trường Sơn, chúng tôi 3 lần được đi trên đường 16, đường 10 xuyên qua các bản làng người Bru- Vân Kiều ở 3 xã: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Từ các tỉnh lộ, những con đường bê tông đã trải dài như những sợi chỉ bạc, vắt vẻo ngang đại ngàn Trường Sơn dẫn vào bản. Đã có nhiều ngôi nhà kiên cố bằng bê tông cốt thép, mái ngói đỏ tươi mọc lên thay chỗ cho nhà sàn xiêu vẹo.
Trước đây, đồng bào Bru - Vân Kiều chỉ quen với phương pháp canh tác “đốt, cốt, trỉa”. Nay ở 3 xã đồng bào Bru-Vân Kiều đã có 180ha sản xuất lúa nước.Việc làm chủ lương thực đã nằm trong tầm tay, đồng bào đang hướng đến sản xuất thành hàng hóa. Những chương trình, chính sách hỗ trợ về cây giống, con giống cho vùng khó khăn được triển khai kịp thời…; cùng với những đôi bàn tay cần mẫn của đồng bào Bru- Vân Kiều đã biến đồi hoang thành mô hình vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập cao, đã giúp cho nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều từ nghèo đói, đã vươn lên trở thành hộ khá giả, hộ giàu.
Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình hiện 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy có 273 hộ đồng bào Bru- Vân Kiều làm ăn khá giỏi. Trong số đó, có 230 hộ có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm,144 hộ có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu, như hộ gia đình ông Hồ A Lai (xã Kim Thủy); Hồ Văn Thương, Hồ Văn Nham (xã Lâm Thủy); Hồ Thanh Tuyết (Lâm Thủy). Cũng theo báo cáo này, đồng bào DTTS toàn tỉnh có 700 hộ gia đình làm kinh tế khá, trong đó có trên 200 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.
Tương tự, ở huyện vùng cao Minh Hóa, cũng đang có nhiều hộ Bru-Vân Kiều từ hộ nghèo vươn lên trở thành hộ khá. Hồ Thị Thanh (xã Trọng Hóa) là một ví dụ điển hình. Từ số tiền ít ỏi 5 triệu đồng đầu tư nuôi lợn bản ban đầu, bằng sự chăm chỉ và vận dụng tốt lợi thế về đất đai, nhân lực trong gia đình, mà hiện nay gia đình chị đã có thu nhập từ 70-130 triệu đồng/năm. Ngoài mô hình lợn bản, gia đình chị còn đang sở hữu đàn bò 18 con; trồng 7,5 ha keo. Theo tính toán, trong kỳ thu hoạch tiếp theo, gia đình chị Thanh có thể thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Hay như ở bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), có 100 hộ đồng bào Bru- Vân Kiều sinh sống, cũng đang được cấp chính quyền nhìn nhận, đánh giá là bản phát triển khá của địa phương.
Chung tay xây dựng bản làng
Từ điều kiện kinh tế hộ gia đình không ngừng được tăng lên, người Bru- Vân Kiều đã tính đến việc chung tay xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, như thổi thêm một luồng gió mới để bản làng vùng cao đẹp hơn.
Đến hết tháng 3/2022, 100% xã có đồng bào Bru- Vân Kiều sinh sống ở Quảng Bình đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối vào bản cũng đã được bê tông hóa (trừ các bản đặc biệt xa như bản Đoòng, Bản Mây…).
Thăm bản Chuồn (Kim Thủy) đúng ngày đồng bào Bru- Vân Kiều ở đây đang dọn vệ sinh, trồng thêm hoa hai bên đường vào bản. Con đường bê tông nối từ tỉnh lộ 16 vào bản, là công trình trong Chương trình NTM, Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Chị Hồ Thị Bội chia sẻ: “đường, điện ở bản bây giờ thuận lợi rồi. Trồng ra cây gì, nuôi con gì cũng bán được giá. Do vậy mà đời sống bà con cũng khá hơn trước. Hôm nay, bà con tổ chức vệ sinh đường và trồng thêm hoa cho cảnh quan thêm đẹp”. Đã đi rồi nhưng chị Bội ngoái đầu lại- Hội Phụ nữ bọn miềng (mình- pv) cũng đã ra thăm quê Bác rồi đấy, cảm động lắm.
Tôi lại nhớ về chuyến đi gần đây, cũng là về với bà con Bru- Vân Kiều ở bản Khe Ngát, Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch). Khe Ngát không khác gì một xóm nhỏ của đồng bào Kinh. Bước chân vào bản trên con đường bê tông phẳng lỳ, nhà sát nhà khang trang. Bà con đã nhận đất trồng rừng, đào ao thả cá…; Đặc biệt là cây hồ tiêu được bà con trồng diện tích lớn và trở thành cây xóa đói giảm nghèo.
Anh Hồ Văn Phần đã chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 ha tiêu, ngoài ra còn trồng khoai, ngô. Bà con giờ không săn bắn nữa, mà gia đình nào cũng trồng trọt và chăn nuôi mạnh. Từ đời sống được khá giả, bà con chung tiền làm đường bê tông, cho con cái đi học đầy đủ, đời sống giờ văn minh hơn”.
Cả bản Khe Ngát có 100 hộ, toàn bộ là người Bru- Vân Kiều. Không những tự chủ xây dựng Khe Ngát ngày một khang trang, đồng bào Bru- Vân Kiều còn chung tay cùng chính quyền xây dựng Nông trường Việt Trung thành một thị trấn sầm uất phía tây của huyện Bố Trạch.
Chặng đường 65 năm từ khi người Bru-Vân Kiều lấy họ của Hồ Chủ tịch làm họ của mình, là chặng đường phát triển đầy thử thách mà đồng bào đã vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã chiến thắng được giặc đói, giặc dốt. Đồng bào vẫn trọn vẹn một lòng tin sắt son vào Đảng, Bác Hồ kính yêu. Làm theo lời Bác dặn, đồng bào Bru- Vân kiều lại ra sức xây dựng quê hương- đất nước ngày càng giàu mạnh như sinh thời Người hằng mong muốn.