Từ bản làng biệt lập
Bản Bạch Đàn có 71 hộ, gần 300 khẩu đều là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Từ trung tâm xã Lâm Thủy vào bản Bạch Đàn chỉ khoảng chừng 5 cây số đường chim bay. Thế nhưng trước đây, để vào được bản phải vượt qua 9 con suối, 10 quả đồi, mất 2 tiếng đồng hồ đi bộ. Giao thông cách trở, đời sống bà con người Bru- Vân Kiều khó khăn trăm bề!
Lại nhớ về chuyến đi vào bản Bạch Đàn 4 năm về trước, người dẫn đường nói như dọa: Đường vào bản Bạch Đàn cực kỳ hiểm trở, chênh vênh. Nhà báo có đốt đuốc mà soi cũng không tìm được người thứ 2 chở vào bản. Vừa sợ, vừa lo, tặc lưỡi lên xe, con min khơ rú ga, rẽ phải từ đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây, hướng đỉnh Trường Sơn mà leo. Đi chưa được bao lâu, người dẫn đường cũng bỏ cuộc, để lại mình tôi giữa rừng già và không quên chỉ đường: Chú cứ đi theo người những người kia là vào tới bản Bạch Đàn!
Theo chân những người gùi đồ vào bản, vượt qua bao nhiêu khe suối, đồi núi, cuối cùng tôi cũng vào được bản Bạch Đàn. Đó là một chuyến hành trình về với đồng bào Bru-Vân Kiều thật khó quên!
Lần này trở lại với bản Bạch Đàn, con đường đã được làm bê tông phẳng lì, chỉ mất khoảng 30 phút đi xe máy, Bạch Đàn đã hiện ra trước mắt. Nhấp xong chén trà, ông Trưởng bản Bạch Đàn-Hồ Văn Dự nhìn ra phía cửa nhớ về ngày xưa: “Ngày xưa muốn ra xã mua gạo, mua muối thì phải đi bộ, gùi về, không như bây giờ. Bà con dân bản cũng ít ra lắm, chỉ tự làm tự dùng trong bản”.
Bởi biệt lập, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi dường như cũng xa vời vợi. Sản xuất ra hàng hóa cũng không biết bán cho ai, tất cả như bủa vây lấy bản Bạch Đàn, đời sống bà con Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Các cháu không được đến trường đầy đủ, cái vòng luẩn quẩn, thất học, nghèo đói cứ xoay vòng, chưa có hồi kết!
Đầu năm 2019, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình- Hoàng Đăng Quang đã vào thăm bản Bạch Đàn để nắm bắt tình hình đời sống khó khăn của bà con dân tộc Bru- Vân Kiều. Sau chuyến thăm, một dự án mở đường, khai thông bản Bạch Đàn đã được triển khai. Công trình đường xuyên rừng có chiều dài 6km, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, đến 29/7/2020, công trình này đã thông xe kỹ thuật. Không chỉ là xuyên rừng mà còn “xuyên” được cả sự bế tắc của bản Bạch Đàn, đưa người Bru- Vân Kiều đi đến cuốc sống ấm no.
Đến thông thương, ấm no
Con đường được thông xe, Bạch Đàn dường như khoác lên mình chiếc áo mới, tươi sáng hơn. Không còn bị cô lập, người Bru- Vân Kiều có thể đi ra xã, ra huyện để giao lưu học hỏi. Nông sản sản xuất ra đã có người đến mua. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thành hộ khá giả.
Đơn cử như hộ ông Hồ Thanh Bùi đã trở thành điển hình trong chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Hiện, gia đình ông có 16 con trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Điều kiện kinh tế được cải thiện, không lo cái đói, gia đình ông Bùi có điều kiện cho con cái đến trường đầy đủ.
Không chỉ ông Bùi, hầu như cả bản, ít nhất ai cũng có vài con trâu, bò trở lên. Bên cạnh chăn nuôi, người dân bản Bạch Đàn giờ đây còn trồng cả lúa nước để chủ động lương thực. Người Bru- Vân Kiều hôm nay đã đổi khác, bà con chăm chỉ lao động, làm giàu trên mảnh đất của mình.
Hiện, toàn bản Bạch Đàn có 4ha lúa nước; 9ha lúa rẫy; 20ha trồng sắn và 15ha trồng các loại đậu, ngô, lạc…. “Bà con bản Bạch Đàn giờ đổi mới lắm, vụ đông xuân này, năng suất lúa thu hoạch bình quân đạt đến 55 tạ/ha (được mùa nhất từ trước đến nay), bà con phấn khởi thu hoạch nhanh để còn gieo trồng vụ mới. Không dừng lại ở việc trồng để ăn, giờ đây bà con dân bản còn tính đến việc trồng để bán”, Trưởng bản Hồ Văn Dự chia sẻ.
Nếu trước đây, mỗi độ giáp hạt, người dân bản Bạch Đàn phải trông chờ vào nguồn gạo cấp cứu đói. Bây giờ, bằng sự chăm chỉ lao động sản xuất, bà con đã hoàn toàn làm chủ được lương thực. Không chỉ thế, người dân ở bản Bạch Đàn còn trồng cả sắn nguyên liệu, đậu, lạc để bán. Đây là điều đặc biệt mà ít nơi, ít bản người Bru- Vân Kiều ở đông Trường Sơn làm được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy phấn khởi thông tin: “Đời sống của bà con người Bru-Vân Kiều ở bản Bạch Đàn bây giờ rất khá. Đa số hộ dân đều sắm được ti vi, xe máy... Có được sự thay đổi ấy là nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự chịu khó vươn lên trong lao động sản xuất của bà con...”