Xác định cây trồng chủ lực
Là 1 trong 11 xã biên giới của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, A Dơi hiện có 715 hộ, với 3.703 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Kinh và Vân Kiều cùng sinh sống ở 6 thôn. Trong những năm qua, cùng với đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời xã đã phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân cũng như cảnh quan bộ mặt nông thôn xã biên giới A Dơi ngày một khởi sắc.
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, hằng năm Đảng ủy xã đã đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; chỉ đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển trồng rừng; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản...
Cùng với sản xuất 33 ha lúa nước hai vụ, 10 ha lúa rẫy, 10 ha ngô, 500 ha sắn, 30 ha cà phê, 5,05 ha hồ tiêu, 240 ha cây bời lời, xã A Dơi đã tập trung chỉ đạo và khuyến khích các hộ dân phát triển cây cao su, xác định cao su là một trong những cây chủ lực để giảm nghèo bền vững và vươn nhanh đến khá giàu.
Bí thư Đảng uỷ xã A Dơi Hồ Văn Ngoai cho biết: Trước đây, người dân A Dơi chỉ quen trồng ngô, sắn trên triền đồi, nương rẫy. Từ năm 2006, Chương trình đa dạng hoá nông nghiệp đã hỗ trợ cho 173 hộ trồng 325 ha cao su. Từ năm 2017 đến nay, xã A Dơi đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su, nâng tổng số diện tích cao su toàn xã lên 526 ha, trong đó 350 ha cao su đã cho khai thác mủ. Nguồn thu nhập từ cao su đưa lại không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn giúp cho một số hộ vươn lên khá giả.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã A Dơi Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Cây cao su là cây chủ lực, do đó người dân xã chúng tôi vẫn đầu tư cho loại cây này nhiều nhất. Tại địa phương, từ tháng 10/2020 thành lập Hợp tác xã Sê Pôn, gồm 16 xã viên, cùng với 2 đại lý trên địa bàn đã thu mua mủ cao su nên rất thuận lợi cho bà con trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh cây chủ lực này, xã tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân duy trì các cây trồng hiện có như lúa, ngô, sắn và các loại cây ăn quả nhãn, xoài..., đồng thời phát triển chăn nuôi để đa dạng hóa nền kinh tế…”
Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên
Tận dụng lợi thế có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn nông sản dồi dào, xã đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn xã hiện có 497 con trâu, bò; 400 con dê, hơn 5000 con gia cầm các loại. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm mà đem lại nguồn thu nhập khá trong đời sống kinh tế của người dân.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án, đến nay xã đạt 11/19 tiêu chí.
Cùng với những đổi thay về kinh tế, văn hoá, xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Số lượng và chất lượng của các bậc học hằng năm đều tăng; cơ sở vật chất trường lớp các bậc học đều được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Trạm y tế của xã đã phối hợp với quân y Đồn Biên phòng Ba Tầng triển khai có hiệu quả các chương trình y tế, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu cư đã được đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực... Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào và chương trình hành động của địa phương, cùng góp sức chung lòng xây dựng xã biên giới A Dơi ngày một phát triển.