Diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, phum sóc được nối liền nhau bằng những tuyến đường giao thông nông thôn thẳng tắp, đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự chung sức, đồng lòng của đồng bào nơi đây.
Xã đảo đạt NTM nâng cao - An Thạnh I, thuộc huyện Cù Lao Dung, cũng là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh vào năm 2014, theo chỉ đạo điểm của Trung ương. Với đà phát triển đó, đồng bào cùng chính quyền địa phương quyết tâm giữ vững và nâng chất để xã đạt NTM nâng cao vào cuối năm 2020.
Chúng tôi được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đưa đi thăm các mô hình ở xứ đảo, để cùng cảm nhận sự đổi thay với nhiều kết quả đạt được trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Hàng loạt các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng từ Chương trình xây dựng NTM tại xã, nên việc sản xuất và sinh hoạt của đồng bào thuận lợi hơn. Có đường giao thông thì sản phẩm nông sản, thủy sản sau thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua, giá cao hơn. Trường học được xây dựng khang trang, nên trẻ em đến trường đầy đủ. Có trạm y tế đã góp phần chăm sóc sức khỏe người dân xứ biển tốt hơn...Toàn xã chỉ còn 17/1.961 hộ nghèo, chiếm 0,87%; 91 hộ cận nghèo, chiếm 4,64%.
Chia sẽ về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung thông tin, địa phương xác định xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, nên huyện sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tiêu chí thuộc nhóm kết cấu hạ tầng để từng bước đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Trong đó, chú ý lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt để thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
“Đặc biệt, xã An Thạnh I phát triển được nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập lên tới 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; đã xây dựng, phát triển được 68 mô hình trồng cây ăn trái gồm ổi, dừa, bưởi da xanh, thanh long cùng mô hình cây ăn trái kết hợp. Các mô hình kinh tế cho thu nhập cao: Xoài Cát Chu đạt (500 triệu đồng/ha/năm); nhãn xuồng, chanh bông tím, trồng bông thiên lý (200 - 300 triệu đồng/ha/năm”, ông Đắc cho biết.
Cùng cách làm như xã An Thạnh I phát triển mạnh về nông nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất, thì xã NTM nâng cao Tham Đôn (Mỹ Xuyên), nơi có gần 75% dân số là người Khmer, cũng chú trọng đến những mô hình kinh tế hiệu quả và phù hợp với phong tục tập quán sản xuất của đồng bào Khmer.
Ông Tăng Trung Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Tham Đôn cho biết, nhờ phong trào xây dựng NTM mà đời sống người dân nâng lên, nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, như nuôi bò sữa, trồng rau màu kết hợp đa canh đã đem lại thu nhập cao cho đồng bào. Khi kinh tế ổn định, thì chính quyền địa phương vận động đồng bào chung tay, góp sức cho các công trình công cộng qua hình thức xã hội hóa rất dễ thành công.
“Là xã đông đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi luôn bàn tính đến việc xây dựng mô hình nuôi, trồng như thế nào phải phù hợp và được đồng bào hưởng ứng mới thành công. Làm gì cũng phải tôn trọng việc giữ gìn bản sắc. Phát triển kinh tế, nhưng phải gắn với việc lưu giữ phong tục tập quán của đồng bào. Chính những việc làm như thế, đã giúp cho Tham Đôn chúng tôi đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2021”, ông Bảo chia sẻ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Sóc Trăng có 58/80 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn NTMNC, có 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Mỹ Xuyên) và 2 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu). Phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 72/80 xã NTM và NTMNC.
Chúng tôi mang câu chuyện xây dựng NTM ở các xã biên giới, xã có đông đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao tại tỉnh trao đổi với ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông cho biết: Sóc Trăng là tỉnh nghèo, có đông đồng bào DTTS (gần 36%, đông nhất là dân tộc Khmer), trong xây dựng NTM, tỉnh xác định tâm thế lúc nào cũng “bắt đầu” chứ không có điểm dừng và chưa có điểm kết thúc.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng DTTS... kinh tế, đời sống không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
“Đặc biệt, xác định đồng bào là “gốc” để chủ động tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ mọi nguồn lực cho đồng bào đảm nhận vai trò chủ thể, tiếp tục đồng thuận tham gia các phong trào thi đua xây dựng NTM tại địa phương”, ông Lâm Văn Mẫn cho biết thêm.
Từ cách làm phù hợp, linh hoạt trong xây dựng NTM mà vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã có nhiều khởi sắc. Đời sống của đồng bào ngày càng phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy.