Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm
Theo một thống kê mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi người dân có xu hướng thay mới thiết bị điện tử nhiều hơn. Điện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh… sau một thời gian sử dụng sẽ trở thành đồ phế thải.
Rác thải điện tử tại Việt Nam hiện nay, phần lớn được thải bỏ không qua phân loại hoặc xử lý đúng cách. Điều này dẫn đến nguy cơ rò rỉ các chất độc hại ra môi trường, bởi việc xử lý không đúng quy trình khiến các chất độc hại trong thiết bị điện tử như chì, thủy ngân, kim loại nặng… bị vứt bỏ tùy tiện sẽ ngấm vào đất, nước, không khí, tiềm ẩn nguy cơ trở thành một mối đe dọa lớn, cả đối với môi trường lẫn sức khỏe cộng đồng.
Cần chuyển đổi các nghiên cứu khoa học thành ứng dụng thực tiễn ở quy mô công nghiệp. Các cơ sở xử lý rác thải điện tử được cấp phép phải tuân thủ quy trình tái chế chung, bảo đảm mọi vật liệu đều được xử lý hiệu quả, hạn chế thất thoát tài nguyên".
Ông Hoàng Đức ThảoChủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Theo một nghiên cứu từ Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, các kim loại nặng từ rác thải điện tử dễ dàng xâm nhập vào nguồn nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, mà còn làm suy giảm chất lượng đất, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Một trong các nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy, các kim loại và hợp chất độc hại trong rác thải điện tử có khả năng gây ra các đột biến làm rối loạn quá trình trao đổi chất, gây ra những khuyết tật trong tế bào và cơ thể sống dẫn đến một số chứng bệnh viêm nhiễm, ung thư, rối loạn nội tiết.
Ví dụ, rác thải điện tử từ chì có thể khiến phụ nữ mang thai sinh non hoặc thai chết lưu; có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh dẫn đến suy giảm nhận thức của trẻ em… Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại từ rác thải điện tử có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, suy giảm miễn dịch, thậm chí là ung thư.
Không khó để nhận thấy, hình ảnh những bãi rác điện tử ngổn ngang, hoạt động đốt, tháo dỡ thiết bị điện tử thủ công diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh. Việc thiếu hụt cơ sở xử lý đạt chuẩn, thiếu kinh phí đầu tư công nghệ, cùng với nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn chưa cao, là những nguyên nhân khiến tình trạng này chưa được cải thiện.
Hoàn thiện chính sách để quản lý rác thải điện tử
Trước thực trạng này, việc xây dựng và phát triển các cơ sở tái chế đạt chuẩn là yêu cầu cấp thiết. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại để tận dụng tối đa các vật liệu quý trong rác thải điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.
Như chia sẻ của bà Lê Thị Ngọc Dung, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam: Cần xây dựng các nhà máy tái chế rác thải điện tử hiện đại với quy mô lớn, có khả năng thu hồi các kim loại quý, từ đó giải quyết hiệu quả lượng rác thải phát sinh. Đồng thời, các mô hình tái chế tự phát cần được nâng cấp thành hệ thống thu gom, phân loại có kiểm soát, bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Hoàng Đức Thảo, cần chuyển đổi các nghiên cứu khoa học thành ứng dụng thực tiễn ở quy mô công nghiệp.
“Các cơ sở xử lý rác thải điện tử được cấp phép phải tuân thủ quy trình tái chế chung, bảo đảm mọi vật liệu đều được xử lý hiệu quả, hạn chế thất thoát tài nguyên”, ông Hoàng Đức Thảo nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hành lang pháp lý cũng rất quan trọng. Việt Nam cần sớm ban hành luật quản lý rác thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế, như: thiết lập hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật, đầu tư nghiên cứu và phát triển giải pháp tái sử dụng sản phẩm điện tử đã qua sử dụng...
Trong nỗ lực kiểm soát rác thải điện tử, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết tiếp tục hỗ trợ các địa phương và đơn vị tái chế trong công tác thu gom và xử lý rác thải điện tử. Đồng thời, hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải điện tử và tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các nhà sản xuất và nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Có thể nói, rác thải điện tử đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe, đời sống con người. Loại rác thải này rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để có thể xử lý một cách triệt để hơn.
Mặt khác, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phân loại rác; bảo quản và sử dụng hợp lý để kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm điện tử nhằm giảm bớt rác thải điện tử ra môi trường.
Trong nỗ lực kiểm soát rác thải điện tử, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết tiếp tục hỗ trợ các địa phương và đơn vị tái chế trong công tác thu gom và xử lý rác thải điện tử. Đồng thời, hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải điện tử và tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các nhà sản xuất và nhập khẩu theo quy định hiện hành.