Đại úy Giàng Seo Sự, sinh năm 1962 ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được sự chăm sóc của các thầy cô giáo Trường Dân tộc nội trú, Sự đã gắng học để sau này phục vụ đồng bào, phục vụ quê hương mình. Tháng 1/1983 Sự được tuyển vào lực lượng Công an nhân dân. Tốt nghiệp ra trường anh được điều về là cán bộ Trinh sát Phòng Bảo vệ chính trị (nay là Phòng An ninh nội địa) Công an tỉnh Tuyên Quang, sau nhiều năm phấn đấu, hết lòng vì công việc, anh đã có những tiến bộ vượt bậc.
Công việc của anh thường là đến từng bản người Mông để vận động bà con làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe, không làm theo những luận điệu sai trái của kẻ xấu, vận động trẻ em đến trường, người lớn học thêm cái chữ, biết chữ mới đọc được sách, báo và làm theo lời của Đảng.
Năm 1998, ở một số vùng có đồng bào người Mông nổi lên vấn đề xưng đón vua “Vàng Chứ” của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật. Nhiều gia đình người Mông đã tin theo “Vàng Chứ”, có nơi đồng bào thấy cán bộ đến không tiếp chuyện, không mời vào nhà.
Nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, Đại úy Giàng Seo Sự hiểu rằng, chỉ bằng tình cảm và lòng tin mới đến được với bà con. Anh đã trèo đèo, lội suối đi hết bản người Mông này sang bản người Mông khác. Những người không muốn gặp, không cho vào nhà, anh kiên trì, vận động, thuyết phục.
Ngoài các buổi họp thôn, bản, qua câu chuyện, Đại úy Giàng Seo Sự đã gặp gỡ tuyên truyền giải thích thêm để bà con hiểu sâu, hiểu cặn kẽ, nói một lần, nói hai lần, nói ba lần rồi bà con đã nghe theo. Với người già hoặc người chưa thực sự hiểu âm mưu của kẻ xấu, Giàng Seo Sự thức cả đêm cùng uống rượu tâm sự. Sau những lần như vậy bà con đều hiểu và nhận thức rõ chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Từ đó đồng bào đã không theo “Vàng Chứ”, không theo tà đạo, không tham gia các hoạt động truyền đạo trái phép.
Mỗi tháng, Đại úy Giàng Seo Sự có tới trên 20 ngày sống và sinh hoạt gắn bó với đồng bào Mông, coi bà con như ruột thịt, thông cảm, chia sẻ và tận tình giúp đỡ. Anh dành một phần tiền lương của mình mua kẹo cho trẻ, hay gói thuốc lào, gói mỳ chính, cân đường, hộp sữa cho người già. Anh góp tiền ăn chung cơm với bà con. Đến mùa thu hoạch, Đại úy Sự cùng bà con xuống ruộng gặt lúa, lên nương bẻ ngô, thành thạo như trai bản. Lúc rảnh rỗi anh lại vui đùa cùng các cháu nhỏ, dạy bọn trẻ hát, kể những câu chuyện dân gian của đồng bào Mông. Anh cùng thanh niên thổi khèn, hát những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông. Đi đến đâu anh cũng được bà con quý mến, tin tưởng.
Đại uý Giàng Seo Sự đã cùng đồng đội có mặt ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất; bước chân của anh đã vượt hàng ngàn km đường rừng, đến hơn 700 lượt thôn bản người Mông trong tỉnh Tuyên Quang. Anh đã góp phần cùng đồng đội tuyên truyền, vận động được 5.680 người Mông không theo đạo “Vàng Chứ”, không theo tà đạo; cảm hoá, vận động 500 người không di cư tự do.
Với những cống hiến, đóng góp, Đại úy Giàng Seo Sự liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đại úy Giàng Seo Sự đã 2 lần vinh dự được báo cáo điển hình trong phong trào thi đua Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy; phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức.