Theo lịch đã hẹn trước, khoảng 9 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối tháng 6, chúng tôi theo ghe của anh Sáng đến khu vực biển Hòn Khô Tây để bắt đầu công việc lặn vớt rác. Chiếc ghe máy cập nhà bè, các anh cẩn thận kiểm tra dụng cụ lặn, bình khí trước khi bước vào công việc. Bình thường thì Tổ có 6 người, nhưng hôm nay 2 người có việc đột xuất không đi được nên còn 4 thành viên. "Tụi mình làm công việc này cũng từ lâu rồi chứ không phải gần đây. Trước đây, khi chưa thành lập Tổ bảo vệ san hô, anh em cũng đã tự nguyện bỏ thời gian để bảo vệ rạn san hô, gìn giữ “kho báu” của địa phương. Việc này là vì tình yêu với biển, với rạn san hô quý hiếm, chứ không phải vì cơm áo gạo tiền”, anh Sáng nói.
Sau những động tác chuẩn bị nhanh nhẹn, nhóm người của anh Sáng bắt đầu lặn xuống biển nhặt rác. Dưới làn nước xanh, các anh thay phiên nhau ngụp lặn và dùng các dụng cụ như cây gắp và xiên sắt để thu gom rác cho vào bao lưới. Khoảng hơn 2 giờ lặn dưới đáy biển, các thành viên trong Tổ đã trở lại bè với nhiều rác thải là vỏ lon, bao bì nhựa và bốn con sao biển gai – loại vật gây nguy hại đến rạn san hô.
Khi đã đưa được rác thải lên bờ, các anh tiến hành phân loại và cho vào các phuy đã chuẩn bị sẵn trên bè. Hôm nay, lượng rác ít, chỉ được hơn một phuy với khoảng 20kg. Cũng theo anh Sáng, thời gian đầu lượng rác thải nhặt được rất nhiều, chủ yếu là vỏ lon bia, nước ngọt, các loại túi ni lông và giẻ bùi nhùi, một số ngư lưới cụ cũ. Các loại rác này phủ lên làm ảnh hưởng đến sự phát triển của san hô. Không những thế, chúng còn ảnh hưởng đến loài rùa biển. Nhiều cá thể rùa ăn phải rác hoặc chui vào túi, lon... rất nguy hiểm.
Anh Phan Văn Bang, thành viên trong Tổ bảo vệ san hô cho biết: Trong quá trình gom rác, chúng tôi phát hiện sao biển gai cũng vớt luôn, vì đây là loài sao biển có kích thước cơ thể lớn (đường kính có thể đạt tới 0,5m), chúng có tập tính ăn các mầm san hô sống, các mô mềm của các loài san hô tạo rạn và các nhóm san hô khác. Ngoài ra, khi phát hiện những chú rùa biển và một số động vật biển mắc vào lưới cũ ở các rặng đá, chúng tôi cũng cắt lưới "giải thoát" cho chúng và thu gom lưới cũ.
“Trước đây nhiều người hay có thói quen vứt các vật khó tiêu huỷ xuống biển như vỏ lon, các bao bì nhựa, nên rác thải dồn ứ dưới đáy biển rất nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, du khách đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường biển. Cùng với lặn vớt rác, các anh cũng mong muốn người dân và khách du lịch có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển, không vứt các rác thải nhựa cứng xuống rạn san hô”, anh Bang cho biết thêm.
Theo các thành viên Tổ bảo vệ san hô, trong thời gian ban đầu, lượng rác thải dưới đáy biển khu vực Hòn Khô rất nhiều, các anh phải thường xuyên lặn nhặt và thu gom để đem đi tiêu huỷ. Sau một thời gian thu gom rác, lượng rác ở khu vực rạn san hô cũng dần ít đi. Các anh mở rộng ra các khu vực lân cận để thu gom rác thải.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, đánh giá cao việc lặn vớt rác dưới đáy biển của các thành viên trong Tổ bảo vệ san hô ở khu vực biển Hòn Khô. Việc thu gom rác thải dưới đáy biển có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn hệ sinh thái ven bờ, nhất là đảm bảo cho hệ sinh thái san hô được phát triển.
“Hằng tuần, các thành viên trong Tổ đều tổ chức cắt cử người dọn rác ở khu vực được giao bảo vệ, khoảng hơn 12ha. Việc làm này cũng góp phần lan toả đến người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển và hạn chế việc xả thải xuống khu vực rạn san hô đang được bảo vệ”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, đối với du khách khi đến du lịch ở khu vực biển Nhơn Hải, chính quyền địa phương cũng thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân không vứt rác thải xuống biển, đồng thời địa phương cũng bố trí các thùng rác dọc bờ biển để người dân bỏ rác vào. Bởi nếu người dân vứt rác trên bờ biển, khi triều cường vào sẽ cuốn xuống biển, có nguy cơ gây ô nhiễm. Với mong muốn trở thành điểm du lịch xanh của tỉnh, địa phương cũng đã có nhiều khuyến cáo và lưu ý du khách nên có ý thức chung trong việc góp phần bảo vệ biển xanh, sạch, đẹp.