Ai đã từng lên xứ vải thiều đúng dịp Quốc khánh 2/9, giữa tiết trời mùa Thu êm dịu đều cảm nhận được không khí thiêng liêng bởi khắp các tuyến phố, trục đường giao thông chính được trang hoàng cờ hoa, biểu ngữ. Đặc biệt, đã từ lâu khu vực Quảng trường trung tâm thị trấn Chũ đã trở thành điểm hẹn để đồng bào các dân tộc về đây chung vui trong ngày Tết Độc lập, tạo thành một không gian đậm đà bản sắc với điểm nhấn là những hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
Ở đó, khuôn mặt mỗi người đều thể hiện rõ sự hân hoan, niềm tự hào trong ngày hội non sông và hành trang mang đến đây không thể thiếu những lời ca, tiếng hát ngọt ngào của dân tộc mình. Những phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan, Sán Dìu… thật ấn tượng trong bộ áo chàm truyền thống; cả những em bé vùng cao theo bà, theo mẹ xuống núi từ rất sớm, thanh niên nam, nữ tươi tắn chụp ảnh bên góc hồ phố Chũ...
Càng về trưa không khí càng sôi động, tiếng hát sli, hát lượn vang vọng từ khu vực Quảng trường, bay đến xung quanh bờ hồ và vào cả khu cơ quan hành chính của huyện. Lượng người tham gia mỗi lúc một đông, họ thuộc khá nhiều bài dân ca và giỏi ứng đáp theo lối thuyền thống. Những câu hát mang ý nghĩa như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa hay cũng có thể là những lời hỏi thăm sức khỏe, công việc, cuộc sống gia đình, động viên nhau cùng cố gắng vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vào ngày Quốc khánh năm trước, tôi đã được hòa vào dòng người ấy và gặp bà Hà Thị Mận, dân tộc Nùng ở thôn Ba Lều, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn khi bà đang sửa soạn trang phục dưới gốc cây chuẩn bị cho cuộc hát đối đáp sắp diễn ra. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 67 nhưng trong ngày vui của đất nước, cộng thêm niềm đam mê tiếng hát dân ca nên bà cùng bạn bè, con cháu có mặt ở trung tâm huyện từ sớm. Bà Mận chia sẻ: “Nhiều năm rồi, cứ gần đến gần ngày Quốc khánh là mình rất háo hức. Trước đó cả tuần, mọi người đã gọi điện thoại rủ bạn hát ở các nơi đi xe buýt xuống đây, trước là để được chứng kiến sự đổi thay của quê hương, sau là vui chơi ca hát cho thỏa đam mê và trò chuyện, hỏi thăm tình hình cuộc sống của nhau”.
Dịp Quốc khánh năm nay, hòa chung khí thế vui tươi, phấn khởi chung của cả nước, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) dân ca Sán Dìu, xã Vô Tranh (Lục Nam) ngược lên phố Chũ để giao lưu hát soọng cô với bạn hát của huyện Lục Ngạn, Sơn Động. Ông Lưu Đình Tiến, thành viên CLB cho biết: “Đã nhiều dịp vào ngày Quốc khánh, CLB đều hướng về Lục Ngạn bởi nơi đây có cộng đồng người Sán Dìu đông đảo, cũng như duy trì phong trào hát dân ca sôi động, phong phú. Đây cũng là hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của mỗi người dân Việt Nam, đồng thời là dịp giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ về những ngày trọng đại của đất nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn”.
Để tăng thêm bầu không khí phấn khởi, vui tươi trong ngày Quốc khánh 2/9 và giúp người dân có sân chơi lành mạnh, năm nay cơ quan chức năng của huyện Lục Ngạn tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công - Nông - Binh trong ba ngày (từ ngày 31/8 đến 2/9). Ban Tổ chức lựa chọn những tiết mục đạt giải cao, có chất lượng để công diễn phục vụ người dân vào tối 2/9 tại Quảng trường trung tâm huyện. Ngoài ra, vui ngày Tết Độc lập năm nay, tại đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân như: Bóng chuyền, đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, hát quan họ trên thuyền, thi đấu cờ tường…
Lục Ngạn là vùng đất đa sắc màu văn hóa, với 8 dân tộc sinh sống đan xen, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 51,1% dân số toàn huyện, tạo nên những nét văn hóa độc đáo riêng có. Trên địa bàn huyện hiện duy trì 32 CLB hát dân ca tiếng dân tộc với khoảng 1 nghìn người tham tham gia hát dân ca Soọng cô (Sán Dìu), Soóng cọ (Sán Chí), Sloong hao (Nùng), Then (Tày); Páo dung (Dao); Sình ca (Cao Lan)... Trung bình mỗi CLB từ 30 đến 40 thành viên. Ngoài ra, các thôn, tổ dân phố đều có đội văn nghệ quần chúng thường xuyên sinh hoạt nhân các sự kiện lớn của đất nước, địa phương.
Những khúc hát dân ca của các dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn đang được đồng bào nâng niu, gìn giữ như một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng. Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã phân bổ kinh phí hỗ trợ hoạt động truyền dạy hát dân ca dân tộc cho các CLB. Năm nay, chương trình đã hỗ trợ 134 triệu đồng cho 6 CLB (mỗi CLB hơn 22 triệu đồng), ngoài ra huyện hỗ trợ mỗi CLB từ 3 - 5 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động và tổ chức các lớp dạy hát dân ca.
Quốc khánh 2/9 hằng năm cũng là dịp để các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo tồn văn hóa, đồng thời thể hiện bản sắc dân tộc, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào và để lại những ấn tượng tốt đẹp, trải nghiệm thú vj về vùng đất Lục Ngạn hiền hòa, thân thiện, mến khách. Đây là một dịp nhắc nhớ, khơi gợi trách nhiệm của lớp lớp con cháu về những công lao to lớn của cha ông trong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Mỗi mùa Thu qua đều để lại những dấu ấn khó quên trong lòng bao thế hệ đồng bào các dân tộc trên vùng đất vải thiều và Tết Độc lập năm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đang nỗ lực cao hoàn thành mục tiêu lớn hơn để đô thị Chũ sớm đáp ứng các điều kiện trở thành thị xã.