Quan tâm hỗ trợ vùng đồng bào DTTS
Từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thời gian qua, Hà Giang đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn.
Trong đó, nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là đồng bào DTTS, tỉnh đã hỗ trợ người dân về giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư, xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật các mô hình....
Năm 2019, cùng với 12 hộ đồng bào dân tộc Pu Péo ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, chị Củng Ly Siu (dân tộc Pu Péo), thôn Chúng Trải được hỗ trợ 1 con bò (trị giá 15 triệu đồng) từ nguồn vốn thuộc Quyết định 2086/QĐ-TTg. Chỉ sau 1 năm chăm sóc, gia đình chị đã có 20 triệu đồng từ bán bò làm vốn để tiếp tục chăn nuôi. Chị Siu mua gà, vịt về nuôi và trồng thêm rau xanh để cải thiện cuộc sống. Hiện gia đình chị Siu đã thoát nghèo.
Tại huyện Hoàng Su Phì, trong hai năm (2019 - 2020), đã có 28 hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc Phù Lá thuộc thôn Bản Máy, xã Bản Máy được hỗ trợ bò theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (mỗi còn bò trị giá 15 triệu đồng) và 2 triệu đồng để mua giống cây bắp cải, cây cải xanh, phân bón, hàng rào để làm chuồng nuôi nhốt. Cùng đó, 37 hộ dân thuộc cụm dân cư Hoa Si Pan, thôn Bản Máy, xã Bản Máy được hỗ trợ 500 triệu đồng để cải tạo khu vệ sinh, cấp giống cây su hào, bắp cải và phân bón để tham gia mô hình trồng rau dinh dưỡng.
Bà Lùng Thị Mí, ở cụm dân cư Hoa Si Pan cho biết: Được hỗ trợ và tham gia Hợp tác xã trồng rau dinh dưỡng, gia đình tôi có thêm kiến thức để trồng và chăm sóc cây rau, vừa bảo đảm được năng suất, lại bảo đảm chất lượng. Rau trồng đến đâu bán hết đến đó nên cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành, huyện Quang Bình đã hỗ trợ lợn thương phẩm cho 33 hộ đồng bào Pà Thẻn (mỗi hộ 8 con). Mỗi hộ sau khi bán lợn đều gây quỹ từ 10 - 20 nghìn đồng để động viên, khen thưởng cho thành viên chăn nuôi lãi nhất. Ông Hủng Văn Sứ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm thôn Đồng Tiến cho biết: “Việc hỗ trợ chăn nuôi lợn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của bà con, tiềm năng, lợi thế của vùng. Do vậy, đảm bảo sinh kế bền vững, lâu dài”.
Ngoài việc triển khai dự án chăn nuôi lợn ở thôn Đồng Tiến, huyện Quang Bình thực hiện hỗ trợ các mô hình tổ hợp tác như: Chăn nuôi lợn, trâu kết hợp tại thôn Thượng Sơn, thị trấn Yên Bình; chăn nuôi lợn, trâu kết hợp tại thôn Phù Lá, xã Tân Nam; chăn nuôi trâu, dê tại thôn Lùng Lý, xã Xuân Minh; Hợp tác xã nuôi bò thôn Nặm Khẳm, xã Tân Bắc... Huy động được 141 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ cho mỗi mô hình 500 triệu đồng. Trong đó, mức hỗ trợ cho mỗi hộ nuôi lợn là 8 con lợn; mỗi hộ nuôi trâu 1 con trâu; mỗi hộ nuôi dê là 5 con dê; có 8 hộ nuôi bò, mỗi hộ là 4 con.
Tiền đề để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Theo ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: Thời gian qua, các chính sách dân tộc đã phát huy tốt trong thực tiễn, trong đó nổi bật là Quyết định số 2086/QĐ-TTg. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang đã bố trí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa. Những kết quả đáng mừng từ việc tạo sinh kế, giảm nghèo vùng DTTS của tỉnh chính là tiền đề, là điều kiện thuận lợi để bắt tay vào triển khai Chương trình MTQG. Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã được giao là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG tỉnh Hà Giang, trực tiếp triển khai 5 Dự án thành phần, ưu tiên trước hết cho việc đầu tư hạ tầng cơ sở và triển khai, nhân rộng các mô hình tạo sinh kế.
“Hà Giang sẽ nỗ lực cao nhất để sắp xếp các dự án phù hợp, sát thực tiễn, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình. MTQG. Chú trọng đổi mới truyền thông về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS”, ông Triệu Trung Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu các huyện nghèo, xã nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng, nhân rộng mô hình giảm nghèo, liên kết sản xuất. Thúc đẩy chương trình khởi nghiệp; phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực kinh tế tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động; đặc biệt là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS...
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ở Hà Giang là 8.225.928 triệu đồng. Từ các nguồn vốn trên, Hà Giang đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn. Nhân rộng mô hình giảm nghèo kết hợp đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm. Nhờ đó, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của tỉnh Hà Giang đã đề ra. Hiện, 8 huyện nghèo của Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo từ 43,65% (2016) đến nay giảm còn trên 20%.