Người giàu thì có nhiều điều kiện để học làm sang. Các cụ dạy: “Phú quý sinh lễ nghĩa” chính là như vậy. Nhưng học làm sang - nếu không biết cách thì dễ trở thành một sự phô trương lố bịch và kệch cỡm.
Đơn cử câu chuyện về ông sếp của một công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở bề thế trên một mặt phố lớn. Chỉ nhìn vào phòng khách công ty, người ta đã cảm thấy chủ nhân của nó giàu cỡ nào rồi. Phòng khách kê bộ salon đắt tiền toàn gỗ cẩm lai. Một nửa phòng là hòn non bộ cây lá xanh tươi, nước chảy róc rách... Có ba, bốn “em” váy ngắn, chân dài trẻ trung tiếp khách, nói năng rất nhẹ nhàng yểu điệu.
Khách đến, một em lịch sự pha trà mời khách, sau đó lên thưa với sếp ngồi trên tầng 3. Để tỏ ra mình luôn bận rộn, phải 20 phút sau sếp mới xuất hiện, trang phục chỉnh tề, nước hoa thơm phức. Vừa tiếp khách, sếp vừa chỉ đạo khắp nơi bằng điện thoại di động. Rồi bất thần, sếp nổi giận, ra oai chửi một nhân viên nào đó như tát nước vào mặt, toàn những lời lẽ thô tục... Hàng chục khách hàng bỗng thấy rát cả mặt như chính mình bị xỉ vả và thấy xấu hổ thay cho cái “sân khấu” giả vờ sang trọng bày đặt trước mắt kia.
Chỉ những hành vi ứng xử thiếu văn hoá như trên đã làm cho mọi sự “sang trọng” mà ông sếp bày ra nơi phòng khách trở nên lố bịch. Hành vi đó khiến người ta liên tưởng tới chân dung ông Giuốc-đanh trong hài kịch “Trưởng giả học làm sang” của Mô-li-e (Pháp). Ông Giuốc-đanh tuổi ngoài bốn mươi, con một nhà buôn giàu có, dốt nát, thô kệch, nhưng muốn học đòi làm sang. Nhiều kẻ biết được điều đó bèn săn đón, nịnh hót để moi tiền. Học đòi lối ăn mặc sang trọng vương giả của tầng lớp quý tộc, ông bèn mời thợ đo may quần áo. Nhưng dốt nát không hiểu thế nào là “quý tộc”, ông cứ bắt thợ phải thế này, thế kia... Nhờ thế mà bọn thợ lưu manh được dịp hốt bạc, còn kẻ học đòi lại nghĩ mình thế là sang trọng.
Nếu như trong cuộc sống có thể học cách làm giàu thì muốn “làm sang” cũng phải học bởi sang là vẻ đẹp của tri thức, của văn hóa, của cách cư xử đúng mực và có ảnh hưởng tốt đối với xã hội, là làm những việc đắc nhân tâm.
Người sang trọng còn phải là người có danh dự, uy tín trong cộng đồng, được mọi người yêu mến, tôn trọng bởi người ấy sống lương thiện, có quan hệ rộng rãi, biết thông cảm và sẻ chia những buồn vui với người khác. Cánh cửa nhà người sang luôn rộng mở đón khách với tấm lòng hào hoa thì một chén rượu nhạt, bữa cơm rau muối vẫn thể hiện được cái văn hóa ứng xử sang trọng.
Người sang vốn không tham lam vì trọng danh dự, còn người giàu thường chỉ quan tâm đến tiền bạc, những thứ khác chỉ là thứ yếu. "Quân tử trọng danh/Tiểu nhân trọng lợi". Vào một nhà giàu, nhiều khi không nhìn thấy một cuốn sách, một tờ báo mà chỉ thấy đồ đạc lỉnh kỉnh, chật chội. Đó chính là kiểu giàu “ô trọc” giống như nhân vật Grandé của Honoré De Balzac, chỉ thích hàng tháng đem cái hũ tiền vàng ra đếm với tâm trạng đầy khoái lạc rồi lại cất đi, không dám đụng đến một xu...
Làm người, không nhất thiết phải giàu mới là sang. Nhưng người giàu thì nên học làm sang vì nó giải phóng cho con người thoát khỏi sự u mê của tiền bạc để mở ra các mối quan hệ tốt đẹp, nâng cao tinh thần nhân văn và sự hiểu biết nhiều mặt cho bản thân và con cái. Giàu như vậy mới đúng là giàu sang.