Tồn tại dai dẳng
Việc sắp xếp, đổi mới hoạt động các NLTQD - sau này là các công ty nông lâm nghiệp (NLN), để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai đã được Trung ương yêu cầu thực hiện từ hàng chục năm nay. Trước khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD của của Bộ Chính trị khóa IX, chủ trương này đã được đặt ra tại Nghị định 388/1991/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Sau Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014, yêu cầu tiếp tục sắp xếp, đổi mới các NLT. Quốc hội khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ NLTQD. Trước đó, Chính phủ đã có Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLN…
Rõ ràng, việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty NLN là vấn đề cấp bách, được Trung ương chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều tồn tại, yếu kém.
Trong Tờ trình đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định, tính đến ngày 31/12/2021, trong tổng số 256 công ty NLN do 49 địa phương, tập đoàn, tổng công ty quản lý thì vẫn còn 90 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới (chiếm tỷ lệ 35,2%)
“Một số công ty NLN sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, chưa bảo đảm các yêu cầu của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm khoán”, Bộ NN&PTNT đánh giá.
Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, công tác quản lý đất đai tại các công ty NLN còn bất cập. Đặc biệt, việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm. Hiện còn 22 công ty, chi nhánh tại 11 tỉnh chưa hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc ranh giới; 11 công ty chưa hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; 123 công ty chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất; mới có 57 công ty, chi nhánh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 27,54% tổng diện tích được giữ lại.
Một vấn đề cấp bách khác cũng đã được đặt ra từ hàng chục năm nay là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã chỉ ra tình trạng du canh, du cư, di cư tự phát còn diễn biến phức tạp do một số hộ còn thiếu đất sản xuất; kinh tế lâm nghiệp chuyển biến chậm, chính sách đối với lâm nghiệp chưa thật sự bảo đảm cho người dân sống và gắn bó với nghề rừng… Vì vậy, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở tại vùng đồng bào DTTS được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách.
Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, hành loạt chương trình, đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, cả nước vẫn còn hơn 300 nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; trong đó có trên 80.000 hộ thiếu đất ở, 221.000 hộ thiếu đất sản xuất.
Khẩn trương giải quyết vấn đề cấp bách
Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp (khoảng trên 90% lao động DTTS sinh sống bằng nghề nông). Vì thế, đất sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào. Thiếu đất sản xuất là một phần nguyên nhân khiến thu nhập bình quân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn một khoảng cách rất xa so với bình quân cả nước.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu, thu nhập bình quân cả nước là 4,25 triệu đồng/người/tháng; trong đó khu vực thành thị đạt 5,388 triệu đồng/người/tháng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (3,486 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, thu nhập của nhóm giàu nhất gấp 8 lần nhóm nghèo nhất (9,184 triệu đồng/người/tháng so với 1,152 triệu đồng/người/tháng). Nhóm nghèo nhất chính là các hộ nghèo của cả nước hiện nay; trong đó hơn một nửa là hộ đồng bào DTTS.
Thiếu đất sản xuất, đất ở, thu nhập bấp bênh,… là nguyên nhân khiến các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa “cắt” được làn sóng di cư tự phát. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2020), Chính phủ đã có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc tập trung giải quyết cơ bản tình hình DCTD vùng miền núi và trung du.
Trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2016, Nhà nước đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, đất sản xuất cho trên 107.800 hộ gia đình DTTS. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào nghèo, du canh, du cư, DCTD, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm… từng bước có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo báo cáo này, từ sau năm 1990 đã xuất hiện tình trạng dân di cư tự phát với số lượng lớn, chủ yếu là đồng bào DTTS. Giai đoạn 1996 - 2000 có khoảng 18.000 hộ di cư/năm, sang giai đoạn 2005 - 2014 là khoảng từ 4.000 đến 5.000 hộ dân di cư /năm. Đến giai đoạn 2015 – 2020, làn sóng di cư có giảm, nhưng vẫn có 3.307 hộ (bình quân 550 hộ/năm).
“Tình trạng di cư tự do dẫn đến nhiều hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, hủy hoại môi trường, phát sinh nhiều điểm nóng về an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, phá rừng (điển hình như xã Tuy Đức, huyện Quảng Trực, tỉnh Đăk Nông; xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; xã Cư K’Bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk…)...”, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Trong Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XII đã nêu nhiệm vụ là tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư. Mục tiêu là giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS vào năm 2025. Đây cũng là yêu cầu được Quốc hội khóa XIV đặt ra trong Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2019/QH14 về phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết 18-NQ/TW đánh giá, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS dù đã được quan tâm, nhưng ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đồng thời giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ NLTQD.
Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đã chỉ rõ những bất cập trong chính sách, pháp luật hiện hành, khiến công tác quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các NLTQD còn yếu kém; việc thực hiện mục tiêu giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS còn hạn chế. Điều này đòi hỏi phải sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.