Nhận bàn giao cũng chưa thể sử dụng
Sơn La là tỉnh có diện tích tự nhiên lên đến hơn 1,4 triệu km2, mật độ dân số trung bình khoảng 82 người/km2 nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất là vấn đề tồn tại dai dẳng bao năm qua trong vùng đồng bào DTT của tỉnh. Tại thời điểm năm 2015, theo Báo cáo số 985/BC – UBTVQH13 ngày 16/10/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, toàn tỉnh có 13,534 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất (1.688 hộ thiếu đất ở, 11.846 hộ thiếu đất sản xuất).
Sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg và Quyết định 1592/QĐ-TTg năm 2009, từ năm 2013 đến năm 2016, tỉnh tiếp tục được bố trí vốn để thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg. Dữ liệu trong Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, bản đặc biệt khó khăn được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-UBND, ngày 11/9/2017 (gọi tắt là Đề án 2411) cho thấy, trong 4 năm (2013 – 2016), tổng vốn Chính phủ giao để Sơn La thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg là 91,3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, tỉnh đã tập trung triển khai các nội dung hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào DTTS nghèo. Tuy nhiên, tổng quỹ đất sản xuất chỉ bố trí được 696 ha, hỗ trợ cho 1.248 hộ có nhu cầu cấp bách nhất.
Đề án 2411 của UBND tỉnh Sơn La được ban hành là để triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Tại thời điểm Đề án 2411 được phê duyệt, toàn tỉnh còn 1.640 hộ có nhu cầu đất ở, 19.909 hộ có nhu cầu đất sản xuất. Đến hết năm 2020, kết quả thực hiện Quyết định 2085/QDD-TTg của Sơn La cũng dừng lại ở việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm định canh, định cư, với tổng vốn gần 12,5 tỷ đồng; còn nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất không thực hiện được.
Trong khi hàng nghìn hộ đồng bào DTTS đang thiếu hoặc chưa có đất sản xuất thì một quỹ đất lớn từ các công ty nông lâm nghiệp (NLN) trên địa bàn tỉnh Sơn La được bàn giao về cho địa phương quản lý lại đang trong trạng thái “nằm chờ”. Cụ thể, thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và chính sách đối với các công ty NLN, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận gần 13.532 ha từ quỹ đất của 11 công ty NLN trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn, Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Mường La, Phù Yên.
Điều 27 - Luật Đất đai (sửa đổi 2013) quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về bảo đảm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất. Luật cũng quy định, quỹ đất thu hồi của các tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân là người DTTS không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính, đang chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các phòng ban đơn vị liên quan xác định nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030. Tuy nhiên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về hướng dẫn lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích có nguồn gốc là đất của các công ty NLN bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng; Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng chưa hướng dẫn cụ thể về đề cương, biểu mẫu, sản phẩm của phương án sử dụng đất.
Gần 1 triệu ha đất “nằm chờ” hướng dẫn
Không riêng Sơn La mà tất cả các địa phương đã tiếp nhận bàn giao quỹ đất từ các công ty NLN hiện vẫn chưa thể sử dụng quỹ đất này theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) bàn giao về cho các địa phương từ năm 2004 đến tháng 7/2020 là 1.086.594 ha. Trong đó, diện tích bàn giao theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị là 621.565 ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI là 465.029 ha.
Tuy nhiên, tổng diện tích đã xây dựng phương án sử dụng đất mới chỉ có 158.046 ha (chiếm 15%); trong đó phương án giao cho hộ gia đình cá nhân là 10.983 ha, giao cho tổ chức là 57.312 ha; chuyển toàn bộ công ty thành Ban Quản lý rừng phòng hộ 89.751 ha. Vị chi, phần diện tích chưa có phương án (tạm giữ lại chưa giao) là 928.548 ha, bằng 75% tổng diện tích dự kiến bàn giao về địa phương.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, hiện nay, dù đã có hơn 75% địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, phân định ranh giới và có phương án sắp xếp, đổi mới với các diện tích đất nông, lâm trường (NLT), nhưng kết quả vẫn không đạt được như kỳ vọng. Với các diện tích đã xác định chuyển đổi, bổ sung quỹ đất cho địa phương, thì vấn đề liên quan đến rà soát ranh giới và chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn là điểm nghẽn lớn nhất.
“Hiện vẫn có 13/45 địa phương chưa hoàn thành việc phân định ranh giới đất đai NLT; 34/45 tỉnh vẫn đang vướng mắc trong việc thực hiện rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao, cho thuê đất. Điều đó dẫn tới nghịch lý thiếu - thừa khi một diện tích lớn đất đai luôn ở trong trạng thái chờ; trong khi đó, người dân địa phương xung quanh lại luôn trong tình trạng thiếu đất sản xuất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Thực tế cho thấy, yêu cầu về quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững quỹ đất có nguồn gốc NLT đã trở thành mệnh lệnh, để góp phần phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” ngày 16/6/2022 đã xác định rõ, cần có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.
Trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/202 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;… đã đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những vấn đề cấp bách, cần giải quyết ở địa bàn này đã được đưa ra; trong đó, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở được xác định là nội dung then chốt.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.