Giao khoán tùy tiện
Trước đây trên địa bàn huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) có 33 nông, lâm trường (NLT), trạm, trại được giao quản lý 10.809,8ha đất. Sau khi chuyển đổi mô hình sang cơ chế thị trường, phần lớn các đơn vị này không trực tiếp sản xuất, mà giao khoán đất cho cán bộ, công nhân viên và người dân.
Nhưng việc giao khoán được thực hiện rất tùy tiện, tình trạng vi phạm luật Đất đai diễn ra khá phổ biến. Từ năm 2009, Thanh tra TP. Hà Nội đã làm rõ các vi phạm của các đơn vị này, khiến hàng nghìn ha đất ở Ba Vì bị sử dụng sai mục đích, gây lãng phí lớn cho Nhà nước.
Trong đó, Công ty Cổ phần Việt Mông (trước đây là Nông trường Việt Mông) được giao quản lý 925 ha thì đơn vị này giao 455,6 ha đất cho các hộ cá nhân làm vườn, trồng rừng không đúng quy định. Hay Xí nghiệp Nông Lâm nghiệp Sông Đà tự ý chuyển đổi 12,4 ha đất nông nghiệp thành đất thổ cư; Công ty Cổ phần giống gia cầm Ba Vì đã tự ý giao 20,81 ha đất cho các hộ sử dụng làm nhà ở và đất vườn; Nông trường Lương Mỹ giao khoán cho 755 hộ sử dụng đất, nhưng trên thực tế có tới 1.094 hộ sử dụng;…
Những vi phạm trong quản lý tài nguyên đất của các NLT ở Bà Vì đã tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để mua gom đất, đầu cơ trục lợi. Đây cũng được coi là một nguyên nhân dẫn đến “cơn sốt” bất động sản tại Ba Vì.
Năm 2018 là năm địa phương này xảy ra cơn “sốt đất” điên đảo, nhà đầu tư đến Ba Vì “săn đất” như trẩy hội. Tại thời điểm đó, những thửa đất nằm ở các tuyến đường lớn có giá giao dịch từ 800 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/mét dài; các thửa đất nằm ở đường làng, giá dao động từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/mét dài.
Đáng chú ý là, hầu hết diện tích đất nông, lâm nghiệp (NLN) ở huyện Ba Vì đã được Nhà nước giao cho các NLT dưới hình thức thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, số thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách của các đơn vị này là không đáng kể. Chỉ tính giai đoạn 2004 – 2014, theo Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các NLTQD giai đoạn 2004 – 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, trong 10 năm, Xí nghiệp Nông Lâm nghiệp Sông Đà chỉ nộp vào ngân sách được hơn 225,4 triệu đồng; Nông trường Lương Mỹ nộp 145,3 triệu đồng;…
Trong khi đó, trong một thời gian dài, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Ba Vì thiếu đất ở, đất sản xuất. Chỉ tính riêng xã Ba Vì, toàn xã có diện tích tự nhiên lên tới 2.540ha, nhưng hơn 500 hộ dân (98% dân số là đồng bào DTTS) chỉ có 340 ha đất để sử dụng (bao gồm diện tích đất xây dựng các công trình nhà ở, trụ sở và các công trình dân dụng, dân sinh, công trình kinh tế - xã hội khác).
Nguyên nhân là do 2.200 ha đất tự nhiên của xã nằm trong lâm phần do Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý. Vì vậy, năm 2015 (thời điểm UBTVQH giám sát việc quản lý, sở dung đất tại các NLTQD), thu nhập bình quân toàn xã Ba Vì chỉ đạt 11,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 48,7%, theo chuẩn nghèo đa chiều của TP. Hà Nội (tỷ lệ hộ nghèo của TP. Hà Nội cuối năm 2015 đã giảm xuống dưới 2%, thu nhập bình quân đã đạt gần 80 triệu đồng/người/năm - Pv).
Không làm tròn nghĩa vụ tài chính
Không riêng huyện Ba Vì mà tình trạng giao khoán tài nguyên đất có nguồn gốc từ các NLTQD một cách tùy tiện diễn ra khá phổ biến trên cả nước. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài và có xu hướng gia tăng theo thời gian.
Tại thời điểm năm 2014, theo Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 của UBTVQH, cả nước có hơn 667,5 nghìn ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD được giao khoán cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua giám sát việc sử dụng đất thì có tới 73.900 ha chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, có tranh chấp chưa giải quyết xong. Đến hết năm 2021, tổng diện tích đất có nguồn gốc từ các NLTQD có sử dụng không đúng mục đích tăng lên gần 95 nghìn ha.
Cách đây 7 năm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, hiện là ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) đã nhận định, bình quân một ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD mỗi năm chỉ đóng ngân sách khoảng 90 nghìn đồng, tương đương với khoảng 5kg gạo. Còn đại biểu Trần Minh Diệu (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) thì ví thu nộp ngân sách hằng năm của mỗi ha đất do các NLTQD quản lý chỉ tương đương giá trị của vài chiếc kẹo.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 năm (2004 – 2014), các NLTQD chỉ đóng nộp ngân sách được 1.809 tỷ đồng; nhưng đến thời điểm UBTVQH tiến hành giám sát thì vẫn còn nợ hơn 219,4 triệu đồng. Cá biệt, Công ty Lâm nghiệp Lục Yên (Bắc Giang) quản lý, sử dụng 3,136ha đất phải nộp tiền thuê đất, nhưng trong 10 năm không nộp đồng nào. Còn tỉnh Bình Thuận, có 4 đơn vị phải nộp tiền thuê đất, với số tiền gần 2,656 tỷ đồng, nhưng trong 10 năm chẳng nộp đồng nào vào ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong điều kiện ngân sách khó khăn thì Nhà nước đã phải chắt chiu từng đồng; qua từng giai đoạn định mức hỗ trợ từ ngân sách cũng được nâng lên. Giai đoạn 2004 – 2008 là 5 triệu đồng/hộ trong Chương trình 134, rồi được nâng lên 10 triệu đồng/hộ ở Chương trình 1592 và 15 triệu đồng/hộ trong Chương trình 755… Dù định mức còn thấp, nhưng kết hợp với vốn tín dụng chính sách ưu đãi, từ năm 2003 – 2016, khoảng 107.800 hộ gia đình DTTS đã được hỗ trợ đất sản xuất, từ đó có sinh kế ổn định.
Việc các NLTQD không làm tròn nghĩa vụ tài chính, trong khi ngân sách Nhà nước phải cân đối từng đồng để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS sinh sống trên lâm phần là thực trạng khó chấp nhận. Vì vậy, sau khi Luật Đất đai 2003 ra đời (có hiệu lực từ ngày 26/11/2003), việc sắp xếp, đổi mới các NLTQD theo Nghị quyết 28-NQ/TW phải được thực hiện theo quy định của luật này.
Trong đó trọng tâm là các NLT phải chuyển sang thuê đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Quy định này được “siết” chặt hơn trong Luật Đất đai 2013, với mục tiêu xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất tiến tới công bằng trong việc sử dụng tài nguyên quốc gia.
Tuy nhiên, tính đến năm 2014, kết quả giám sát của UBTVQH cho thấy, trong tổng số gần 8 triệu ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD mới có 472.709 ha được chuyển sang hình thức thuê đất, do 112 NLT thực hiện; mới có 2.029 ha được chuyển sang giao đất có thu tiền trong tổng số hàng trăm nghìn ha đất được các NLT thực hiện giao khoán…
Đến hết năm 2021, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong tổng số gần 9,2 triệu ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD thì có hơn 6 triệu ha giao đất không thu tiền sử dụng đất; chỉ có 527.150 ha là có thu tiền thuê đất. Điều này chứng tỏ, việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của các cơ quan, cấp chính quyền và các công ty NLN là chưa nghiêm, chưa đúng pháp luật.
Trong quá trình góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đầu năm 2023), các chuyên gia đã nhấn mạnh đến vấn đề phải có quy định, chế tài thu hồi các diện tích đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD sử dụng sai mục đích; nhất là diện tích đất bị các công ty NLN liên danh, liên kết nhưng không hiệu quả, có dấu hiệu “lũng đoạn” tài nguyên quốc gia. Bởi việc liên doanh liên kết theo kiểu “phát canh thu tô” đã khiến công tác quản lý đất NLT tại nhiều địa phương bị đảo lộn.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Theo Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các NLTQD giai đoạn 2004 – 2014 của UBTVQH, tại thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty NLN, mặc dù quản lý hàng triệu ha đất nhưng tổng giá trị tài sản các công ty LN trên cả nước chỉ có 3.905 tỷ đồng; các khoản phải thu là 529 tỷ đồng; các khoản nợ là 1.833 tỷ đồng; tổng doanh thu là 2.478 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 182 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm (2004-2014) là 276 tỷ đồng.