Thực trạng đốt rơm rạ tại Hà Nội
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã công bố kết quả của việc đốt rơm rạ từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, thuộc Dự án "Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn TP. Hà Nội".
PGS.TS. Hoàng Anh Lê,Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong vụ đông xuân năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn TP. Hà Nội là 67.493 ha, chiếm khoảng 20% diện tích canh tác lúa (được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô). Tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ trung bình là 20%. Các quận, huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao từ 35 - 60% là: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất và Chương Mỹ.
Vụ mùa năm 2020, diện tích canh tác lúa thấp hơn, nên lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng thấp hơn với 251.266 tấn, tỷ lệ rơm rạ bị đốt khoảng 2%.
Theo kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện còn khá phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh sau vụ đông xuân 2021 (hơn 710.676 tấn rơm rạ tươi). Nhiều huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như: Gia Lâm và Thường Tín (50%), Thạch Thất (45%), Chương Mỹ (37%)...
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) cho biết, với 20% lượng rơm rạ bị đốt trên địa bàn Thành phố, sẽ phát sinh 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 - tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
“Từ ngày 4 - 8/6 vừa qua, khói rơm rạ làm chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm mạnh, có thời điểm chỉ số AQI tăng lên 198 - 210, ngưỡng xấu và rất xấu, nguy hại đến sức khỏe con người”, bà Lưu Thị Thanh Chi thông tin.
Về lý do đốt rơm rạ, nhiều nông dân ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai… có chung câu trả lời: Người dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ đun nấu, trong khi phụ phẩm này để lại sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ kế tiếp, nên phải đốt tại ruộng để thuận lợi cho việc làm đất.
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Oai Dư Văn Dũng thì cho rằng, chế tài chưa rõ ràng gây khó khăn cho địa phương trong xử lý vi phạm, dẫn tới tái diễn tình trạng đốt rơm rạ.
Để kiểm soát các hoạt động này, ngày 18/9/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... UBND Thành phố tăng cường và quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương.
Theo đó, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chủ động ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường…
Đặc biệt, tại Chỉ thị 15 của Thành phố nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, bảo đảm từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận huyện cũng đã có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.
Hiệu quả từ các giải pháp thay thế
Triển khai Chỉ thị 15 của Thành phố, thời gian qua, các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch xử lý tình trạng đốt rơm rạ. Với một số huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao là Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai...;ngoài việc tuyên truyền, địa phương cũng đã huy động sự vào cuộc của cộng đồng, yêu cầu người dân cam kết chấm dứt việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng...
Điển hình, từ tháng 9/2020 đến nay, huyện Sóc Sơn đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ. Trong đó, UBND huyện chỉ rõ: Hành vi đốt rơm rạ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Nội vụ kiểm tra, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện không đúng Chỉ thị số 15/CT-UBND.
Tại huyện Thanh Oai, với tổng diện tích gieo trồng lúa mùa vụ trên địa bàn huyện khá lớn 6.470ha, tương đương 38.820 tấn rơm, rạ thải bỏ. Theo đại diện phòng TN&MT huyện Thanh Oai, trên địa bàn huyện vẫn còn một số xã tái diễn tình trạng đốt rơm rạ nhỏ lẻ. Bên cạnh nguyên nhân do người dân không hợp tác trong việc hoàn đối ứng hoặc tự mua chế phẩm sinh học, giá thành chế phẩm xử lý cao, một trong những nguyên nhân phải kể đến là, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đốt rơm rạ tại ruộng chưa rõ ràng, điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc tiến hành xử lý hành vi trên.
Tại huyện Ứng Hòa, vụ xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch là 45.980 tấn, đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%; biện pháp khác (để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy…) 58%; đốt còn 11%.
Trong khi đó, tại huyện Ba Vì, khối lượng rơm, rạ đốt sau thu hoạch giảm 5 - 10% so với những năm trước. Tại xã Tản Hồng, vụ chiêm xuân 2021, toàn xã gieo cấy 274 ha lúa đạt 100% kế hoạch. Theo tính toán, 1 ha lúa để lại khoảng 11 tấn rơm rạ. Tuy nhiên, trên cánh đồng của xã không có một trường hợp nào đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Được biết, thực hiện theo đúng cam kết, bà con đã mang rơm để phục vụ trồng nấm tại HTX thôn La Thượng; một phần cho các hộ dân xã Vạn Thắng mang về làm thức ăn cho gia súc, còn lại thì đều tạo điều kiện cho Công ty T&T của Hòa Bình thu gom bằng máy cuốn rơm không thu tiền.
Ghi nhận nhiều sự chuyển biến, trên những cánh đồng không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng tại huyện Ba Vì, còn có rất nhiều địa phương đã tích cực vận động bà con thực hiện tốt Chỉ thị số 15 của UBND thành phố như: Đông Quang, Phú Đông, Minh Quang, Sơn Đà.
Tại huyện Đông Anh, chị Phạm Khánh Hương (xã Liên Hà) chia sẻ: Được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động, người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, mà sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ hoặc là tận dụng rơm rạ để trồng nấm.
"Sau khi tham gia các lớp học nghề về trồng nấm từ rơm rạ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, tôi đã quyết định mở trang trại sản xuất nấm rơm, kêu gọi người dân không đốt rơm rạ mà thu gom rơm cho trại nấm, áp dụng các kiến thức đã học về sản xuất nấm, tăng thêm thu nhập", chị Hương chia sẻ.
Được biết, trang trại sản xuất nấm rơm của xã Liên Hà hiện sản xuất với quy mô 40 - 60 tấn rơm/năm. Thu nhập từ nấm rơm đem lại khoảng 100 triệu đồng/năm và với nấm sò là 120 triệu/năm, người lao động thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày./.