Ông Điểu Rét, dân tộc Xtiêng, ở Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, Bình Phước
Là Người có uy tín trong cộng đồng nhiều năm liền, bằng những việc làm cụ thể, ông Điểu Rét đã tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Với vai trò là Người có uy tín, ông tâm niệm, muốn Nhân dân tin vào lời nói của mình thì mình phải nêu gương trước.
Không chỉ thực hiện công tác xã hội, ông Điểu Rét cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông thường xuyên học tập, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Cách nay khoảng 5 năm, trên địa bàn huyện Bù Đốp phát triển mạnh cây hồ tiêu. Ông Điểu Rét nhận thấy, số lượng cành, lá của cây keo, cây vung mà người dân dùng làm trụ cho cây hồ tiêu leo khá dồi dào và đây là nguồn thức ăn thích hợp cho nuôi dê. Tận dụng nguồn thức ăn này, ông đã mua dê về nuôi. Đến nay, đàn dê của ông phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Từ kinh nghiệm sản xuất hiệu quả của gia đình, ông Điểu Rét đã vận động, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong ấp cùng làm theo. Ngoài ra, ông Điểu Rét vận động các hội, đoàn thể ở xã, huyện và các lực lượng đóng chân trên tuyến biên giới tặng dê giống cho người dân nghèo để nuôi phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay ấp Bù Tam có hàng chục hộ nuôi dê cho thu nhập ổn định.
Đặc biệt là, trong thời gian cả nước đang chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19, ông Điểu Rét cũng tích cực vào cuộc. Hằng ngày, ông tranh thủ thời gian cùng các lực lượng đến từng nhà trong ấp để tuyên truyền tới người dân cách thức sinh hoạt hợp vệ sinh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đeo khẩu trang khi tham gia các buổi sinh hoạt tôn giáo và khi có việc phải đi ra khỏi ấp, nên ý thức chấp hành của bà con nơi đây rất tốt.
Ông Điểu Rét chia sẻ: Hầu hết dân số ấp Bù Tam là người Xtiêng và theo đạo. Để Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tôi không ngừng học tập để trau dồi kiến thức và cách truyền tải thông tin đến mọi người. Do đồng bào hiểu biết chưa nhiều, nên mình cần truyền tải làm sao đơn giản, gần gũi, chân thành để đồng bào nghe hiểu và làm đúng.
Tại Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc năm 2020, ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về công tác DTTS.
Ông A Prưih, Người có uy tín ở thôn Sơ Lam 1, phường Trường Chinh, TP. Kon Tum
Là Người có uy tín, từ năm 2008 ông A Prưih đã tham gia vận động bà con bảo tồn văn hóa cồng chiêng của địa phương. Theo ông A Prưih, dân tộc Ba Na có kho tàng văn hoá dân gian phong phú, đặc sắc với những nét nổi bật về sự giàu có tri thức dân gian và kinh nghiệm canh tác rẫy, những truyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng - chiêng - trống và nhiều loại nhạc cụ …
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều DTTS khác, văn hoá truyền thống của dân tộc Ba Na đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại. Là Người có uy tín, ông A Prưih đã phát huy hết vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động con, cháu dòng họ và bà con dân làng lưu giữ, bảo tồn cồng chiêng. Bởi, đó là "phần hồn" của buôn làng và là báu vật của cha ông để lại.
Không chỉ vận động lớp trẻ học đánh cồng chiêng, ông A Prưih đã vận động các nghệ nhân trong thôn biết đánh cồng chiêng truyền dạy lại cho lớp trẻ. Đến nay, thôn Sơ Lam 1 đã thành lập được 2 đội cồng chiêng mỗi đội từ 15 - 16 thành viên. Đội trẻ từ 12 tuổi, đội lớn từ 17 - 18 tuổi. Nhờ có ông nên tiếng cồng, chiêng của đồng bào Ba Na vẫn được vang lên trong các lễ hội của buôn, làng.
“Mình cũng rất vui là bản thân đã làm tròn trách nhiệm của một người con đối với tổ tiên, với buôn làng. Mong sao, con cháu đồng bào Ba Na luôn lưu giữ và phát huy mãi bản sắc văn hóa cồng chiêng của cha ông lưu truyền lại từ bao đời nay”, ông A Prưih chia sẻ.
Anh Và Ga Sua, dân tộc Mông, Bí thư bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An:
Sinh ra và lớn lên tại bản Huồi Cọ nên Và Ga Sua đã thấu hiểu được cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của người dân quê mình. Cả bản Huồi Cọ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, trước đây đời sống rất khó khăn do người dân gần như làm ăn tự phát, chủ yếu là nuôi trâu, bò, trồng dưa leo, nuôi lợn, gà. Nhưng mạnh ai nấy làm, làm theo kinh nghiệm, không có kiến thức, kỹ thuật. Là Bí thư Chi bộ của thôn, anh Và Ga Sua luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.
Năm 2017, UBND huyện Tương Dương đưa cây chanh leo vào trồng thí điểm tại bản Huồi Cọ. Bước đầu, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân là một vấn đề khó khăn, bởi người dân không muốn trồng vì sợ khó khăn và không có hiệu quả.
Để thực hiện thành công đề án của huyện cũng như từng bước giúp dân xóa đói giảm nghèo, anh Và Ga Sua đã vận động được 16 hộ dân cùng với gia đình nhận trồng thí điểm 15,5ha chanh leo, năm đầu đạt thu nhập cao.
Dân bản thấy hiệu quả từ trồng cây chanh leo nên bắt đầu tham gia trồng. Diện tích trồng chanh leo của các hộ trong bản tăng lên gần 65ha, mỗi hecta cho thu nhập từ 85 đến 90 triệu đồng/năm. Có năm mưa thuận, gió hòa như năm 2018, nguồn thu từ các sản phẩm nông nghiệp của cả bản đạt hơn 21 tỷ đồng. Nhờ phát triển kinh tế từ trồng cây chanh leo, các gia đình có tiền nên nhiều người cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Thạch Thị Chal Thi, dân tộc Khmer ở khóm 2, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
Xuất thân từ một gia đình nông dân, cuộc sống chỉ biết trông vào ruộng lúa vườn dừa, hơn ai hết, Thạch Thị Chal Thi thấu hiểu sự vất vả của bà con trồng dừa ở Trà Vinh. Là người con dân tộc Khmer ở Trà Vinh học được lên đến đại học, rồi cao học. Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, cô gái trẻ từ chối nhiều cơ hội việc làm ở thành phố quay lại với đồng đất quê hương.
Nhận thấy người dân trồng dừa 6 - 7 năm mới có thu hoạch, nhưng giá cả thấp, thu nhập không đáng kể. Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, giá dừa xuống thấp trầm trọng, thu nhập người nông dân cứ bấp bênh. Thi đã mày mò, nghiên cứu cho ra mắt nhiều sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa, tăng giá trị của trái dừa miền Tây.
Sau thời gian nghiên cứu, sản xuất, mật hoa dừa của chị Thi có vị ngọt thanh, với chỉ số đường huyết thấp hơn so mật ong, đường mía nhưng lại sở hữu hàm lượng khoáng cao, thích hợp với người bị tiểu đường hoặc người có chỉ số đường huyết cao, người già cần bồi bổ cơ thể được nhiều người ưa chuộng.
Để giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm từ dừa, chị đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Travinh Farm, mở rộng liên kết với các nông hộ, đưa vào trồng mới những giống dừa cho sản lượng mật cao, người nông dân thu mật bán cho Travinh Farm, có thể đạt từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng, cao gấp đôi so với giá dừa khô. Đây là hướng phát triển lâu dài cho cây dừa Trà Vinh khi là vùng nguyên liệu dừa đứng thứ 2 Việt Nam.
Mô hình này đã gây ấn tượng mạnh cho nhiều đoàn khách quốc tế ghé thăm quan không chỉ vì tính mới mẻ của sản phẩm, mà ở việc áp dụng quy trình làm sản phẩm nông nghiệp sạch. Vườn dừa được canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác vùng nguyên liệu, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.
Chị Vi Thị Thu Hà, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín thôn Khuổi Nặp, xã Cao Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn
Khuổi Nặp là một trong những thôn vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế, đường giao thông đi lại khó khăn nên đời sống còn nhiều thiếu thốn.
Từ năm 2007, được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ và Người có uy tín của thôn, chị Hà luôn trăn trở làm sao để giúp gia đình và bà con có thể phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Để bà con tin tưởng và làm theo chị Hà đã cùng gia đình tiên phong trong phong trào phát triển trồng thạch đen, quế đem lại thu nhập ổn định cho gia đình và vươn lên là hộ khá trong thôn.
Tận mắt chứng kiến mô hình phát triển kinh tế của chị Hà, bà con trong thôn đã học theo chị phát triển kinh tế từ rừng, từ đó đời sống từng bước được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân từ trồng thạch đen và cây quế khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm. Năm 2020, toàn thôn chỉ còn có 6 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, chị đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm 2km đường giao thông thôn và 100m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn; vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới hỏi, ma chay đã được đẩy lùi. Đồng thời, trong phong trào phát động toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, năm 2018 chị đã vận động Nhân dân tự nguyện nộp 6 súng kíp và 1 súng côn, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở thôn bản.../.