Chị Hồ Thị Nhôi, dân tộc Tà Ôi, ở thôn Lề Trang 1, xã Hồng Trung, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) cho biết, tháng 1/2020, từ sự động viên của cán bộ Làng VHDLCDTVN, chị đã chuyển về đây sinh sống. Khi mới về Hà Nội, chị cũng không tránh khỏi sự lúng túng nhất định.
Tuy nhiên, trong khu nhà chị đang ở luôn có 7 người Tà Ôi sống, ngoài ra trong làng đều là người DTTS nên chị dần bắt nhịp với cuộc sống mới. Ở đây, chị Nhôi không những được giao lưu văn hóa với đồng bào các DTTS khác nhau, với du khách trong và ngoài nước mà chị còn có thêm nhiều khoản thu nhập.
Hằng tháng, chị được Làng Văn hóa hỗ trợ 2 triệu đồng tiền sinh hoạt. Ngoài ra, chị còn sáng tạo và tận dụng các sản phẩm từ dèng làm thành khăn, áo, búp bê… bán cho du khách. Đồng thời, chị cũng đưa các sản phẩm truyền thống sẵn có trong vùng đồng bào dân tộc Tà Ôi về bán tại gian trưng bày sản phẩm. Nhờ vậy, hằng tháng chị có thể kiếm thêm từ 2- 3 triệu đồng.
Rời không gian văn hóa dân tộc Tà Ôi, chúng tôi tới thăm không gian văn hóa dân tộc Tày để cảm nhận một không gian văn hóa thanh bình.
Ông Hoàng Khải Chấp, người Tày đến từ Thái Nguyên cho biết, bản thân ông đến sống tại Làng VHDLCDTVN được 4 năm. Ở đây, ông vẫn sinh hoạt bình thường như ở dưới quê, mọi người cùng trồng rau, nuôi gà... Những sản phẩm này vừa sử dụng trong gia đình, vừa bán cho du khách để tăng thêm thu nhập.
Đến Làng VHDLCDTVN, một địa điểm du khách không thể bỏ qua, đó là không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê. Bởi ở đây luôn đầy ắp tiếng đàn, tiếng hát của những con người cao nguyên.
Ca sĩ Y Jalin Ayun, đến từ Đăk Lăk cho biết, năm 2015 anh đoạt giải Ba cuộc thi tiếng hát Sao Mai nên có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. Nhưng anh vẫn chọn Làng VHDLCDTVN làm nơi sinh sống để có thể kết nối và quảng bá văn hóa của dân tộc mình. Tại không gian văn hóa này, người dân không chỉ biểu diễn văn nghệ mà họ còn kết hợp trưng bày và bán các sản phẩm mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên như cà phê, ca cao…
Chia sẻ về việc đưa đồng bào các DTTS về sinh hoạt tại Làng, ông Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng VHDLCDTVN, cho biết, với mong muốn bảo tồn văn hóa các dân tộc một cách sinh động, từ năm 2015, cán bộ Làng VHDLCDTVN đã về các địa phương vận động người dân tới sinh sống trong chính không gian văn hóa của dân tộc mình. Qua quá trình vận động thuyết phục, đến nay có 16 DTTS ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam đã về sinh sống tại Làng.
Vì điều kiện kinh phí hạn hẹp nên trước mắt, Ban Quản lý chỉ có thể hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khi về Làng VHDLCDTVN, người dân có thể trồng rau, nuôi gà, lợn để tăng gia sản xuất. Đồng thời, người dân có thể bán các sản phẩm thủ công truyền thống từ mây tre đan, thực phẩm… vừa có thể phát triển kinh tế vừa có cơ hội để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình”
Ông Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý Làng VHDLCDTVN