Thời gian qua, có rất nhiều những mạnh thường quân, doanh nghiệp và người dân tham gia vào giải cứu nông sản. Hàng nghìn tấn nông sản đã được giải cứu thông qua những kênh bán hàng không lợi nhuận như siêu thị như Vinmart, AEON, BigC… Bà Trần Thu Quỳnh, đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam cho biết: “Đơn vị đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu và thanh long. Chỉ trong 5 ngày, hệ thống siêu thị AEON đã tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long, với giá bán gần sát giá gốc, còn chi phí vận chuyển hoàn toàn do đơn vị chịu”.
Tuy nhiên, bên cạnh những hành động, nghĩa cử cao đẹp, vẫn tồn tại những cá nhân lợi dụng việc giải cứu để trục lợi. Qua trao đổi với những người nông dân trồng dưa ở tỉnh Gia Lai, giá bán tại vườn dao động từ 2000 - 3.800 đồng/kg, giá vận chuyển ra đến Hà Nội đã bao cước là 4.000-5.000 đồng/kg. Thế nhưng tại một số điểm bán hàng giải cứu, mọc lên ở dọc các tuyến đường có mật độ người qua lại lớn, đông dân cư, dưa đã được bán với giá 8.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg, với mức giá “giải cứu” này, các thương lái có lãi từ 1,5 - 2 lần.
Hay một mặt hàng được đánh giá cung không đủ cầu như sầu riêng, năm nay cũng đứng trong danh sách chờ giải cứu. Với lý do dịch bệnh Sars-CoV-2 hoành hành nên sầu riêng không thể xuất khẩu sang Trung Quốc mà buộc phải quay đầu bán lẻ trong nước với giá thấp bằng một nửa giá bán thông thường. Tuy nhiên, chất lượng sầu riêng giải cứu lại tỷ lệ nghịch với tấm lòng của người dân. Theo anh Trần Ngọc Đức, người mua sầu riêng giải cứu chia sẻ: “Thấy sản phẩm mình yêu thích được bán với giá rẻ nên tôi mua luôn 1 thùng 8kg với giá 450 nghìn đồng. Nhưng khi mang về nhà, tôi rất thất vọng vì sầu chín nhưng không có mùi thơm, ăn xong miệng đắng ngắt. Đúng là bỏ tiền mua bực vào người!”.
Tình trạng “đội mũ” giải cứu để kích cầu mua hàng và lợi dụng lòng tốt của người dân nhằm bán những sản phẩm kém chất lượng làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng người giải cứu lại quay lưng với chính những sản phẩm giải cứu.
Để ngăn chặn các hành vi trục lợi trong giải cứu nông sản, cần có những biện pháp, cơ chế trong quản lý như: Điểm bán hàng giải cứu phải được đăng ký; hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng; công khai giá bán, thu chi, qua đó gắn trách nhiệm của người bán hàng với sản phẩm giải cứu.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng cần xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch trong nông nghiệp, ngăn ngừa tình trạng sản xuất xong mới đi tìm thị trường. Các mặt hàng nông sản trong dạng xuất khẩu theo đơn đặt hàng cần được bảo đảm về yêu cầu kỹ thuật, cân đối lượng cung - cầu để nông sản người nông dân sản xuất có đầu ra ổn định. Chấm dứt tình trạng “điệp khúc” giải cứu nông sản đã và đang diễn ra nhiều năm nay, để giải cứu thật sự khi cần, tránh để người tiêu dùng mất lòng tin vào nông sản Việt.
Ngành Nông nghiệp cũng cần xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch trong nông nghiệp, ngăn ngừa tình trạng sản xuất xong mới đi tìm thị trường. Các mặt hàng nông sản trong dạng xuất khẩu theo đơn đặt hàng cần được bảo đảm về yêu cầu kỹ thuật, cân đối lượng cung - cầu để nông sản người nông dân sản xuất có đầu ra ổn định.