Trên thực tế, phải thừa nhận, sau chuỗi giải cứu dưa hấu, thanh long, hành, tỏi… cho người dân những năm trước tạo được hiệu ứng tích cực. Gần đây cũng có rất nhiều mặt hàng nông sản ở các địa phương cũng đua nhau kêu gọi giải cứu. Như, Đoàn Thanh niên tỉnh Lạng Sơn ra tay giải cứu hàng chục tấn củ cải Hàn Quốc cho người dân huyện Cao Lộc. Rồi để giúp cho ngành mía đường ở Hậu Giang, chính quyền tỉnh yêu cầu, tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh, mỗi cán bộ công nhân viên phải mua một lượng đường nhất định...
Không thể phủ nhận, việc giải cứu nông sản là một việc làm cần thiết. Khi mà, việc sản xuất của người dân gặp phải thiên tai, thời tiết xấu và nông dân có thể “chìm sâu” vào đói nghèo. Thế nhưng, khách quan nhìn nhận, việc khủng hoảng thừa này còn có nguyên nhân chủ quan từ ngay chính các địa phương, đã không làm hết chức năng và nhiệm vụ của mình từ khâu quy hoạch, sản xuất cho đến tiêu thụ. Vì vậy, việc sản xuất thì cứ sản xuất, còn đầu ra thì chưa thực sự quan tâm. Ở một số địa phương không tiêu thụ được, thì lại phát công văn đi khắp nơi đề nghị “giải cứu”.
Có thể nói, “giải cứu nông sản” như những viên thuốc giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời. Vì vậy, chính quyền và người dân đừng bao giờ lạm dụng những “viên thuốc” này. Dùng nhiều chỉ để xảy ra tình trạng nhờn thuốc, thậm chí phản tác dụng. Để giải quyết căn cơ vấn đề, phải xuất phát từ việc tự nâng cao “sức khỏe” của ngành Nông nghiệp, biến nông sản thành những mặt hàng chất lượng cao, có sức hấp dẫn với thị trường.
Đặc biệt, cần làm tốt việc quy hoạch, căn cứ dựa trên những khảo sát và nghiên cứu khoa học, về những gì nông dân nên trồng hoặc nuôi, có thể trồng, nuôi hiệu quả, và là bao nhiêu, ở địa phương nào? Rồi việc xây dựng được hệ thống thị trường mở cho những sản phẩm khi sản lượng dồi dào do mùa vụ; Xác định được những giống cây trồng, vật nuôi có khả năng kháng bệnh, để giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, nuôi…; chắc chắn đầu ra sẽ nhịp nhàng, tạo được sự cân bằng nhất định theo quy luật cung- cầu.
THIÊN ĐỨC