“Đường ngược chiều”- đã chọn thì phải đi
Chảo Yến sinh năm 1990, quê ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát (Lào Cai) sát biên giới Việt - Trung. Cũng như nhiều đứa trẻ DTTS ở những vùng quê nghèo, ước mơ học hành “tới nơi tới chốn” của Yến là quá xa vời trong hoàn cảnh bố bệnh nặng, mẹ vất vả nuôi gia đình. Khi bản còn chưa có điện, xe máy, đường sá còn khó khăn, ai dám nghĩ cho con cái đi học?
Học hết lớp 9, Yến phải nghỉ học ở nhà và đối diện với việc sẽ lấy chồng. Thế nhưng, đi làm nương nghe các bạn hát tiếng Anh mà Yến thèm, Yến vẫn hay đến trường xem các bạn học. Hóa ra, chưa bao giờ giấc mơ học hành ấy “ngủ sâu”. Cùng với thầy giáo, 3 năm ròng, Yến kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ cho đi học. Thế là sau 3 năm, với nghị lực của bản thân, Yến tiếp tục được đến trường.
“Có lúc mình cảm thấy đi học như một tội lỗi. Bởi những người xung quanh nhìn mình và bố mẹ với ánh mắt khác. Có khi họ còn xa lánh. Vì gia đình nghèo, việc đứa con gái “đòi” đi học là điều không thể, là không biết thương bố mẹ”, Chảo Yến tâm sự.
Con đường học hành của Yến cũng chính là hành trình vượt qua khỏi định kiến. Yến đặt ra mục tiêu cho chính mình: Phải chứng minh sự lựa chọn của mình không sai. Chỉ cần được đi học, sẽ không có khó khăn nào có thể ngăn cản nữa.
Từ cô học trò bé nhỏ vùng cao chút nữa là dang dở học hành, Yến trở thành người đầu tiên trong bản đậu đại học và cũng là người đầu tiên ở xã vùng cao này đi du học châu Âu. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và đi làm 2 năm, cô đã giành được học bổng toàn phần Erasmus Mundus trị giá 50.000 USD đào tạo Thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường Đại học Gottingen (Đức) và Trường Đại học Padova (Italia).
Hồi ký đầu đời - cuốn sách truyền cảm hứng
“Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” là cuốn tự truyện của Chảo Yến được xuất bản và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Viết từ chính những năm tháng biến động của mình bằng một tâm hồn nhạy cảm. Cuốn sách tái hiện sinh động hành trình đi ngược của cô gái Dao qua những năm tháng khó khăn, gian khổ để được đi học.
“Tôi khai vị bữa sáng bằng lá me rừng, món chính là lá xuyến chi, có hôm đổi sang lá tàu bay cho phong phú. Tôi kết thúc bữa sáng bằng món tráng miệng là lá chó đẻ, có nơi gọi là sam hôi”.
Có đọc những đoạn như thế trong sách, ta mới cảm nhận được tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên nhưng vô cùng kiên cường, mạnh mẽ của cô gái bé nhỏ dám sống, dám ước mơ và dám vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ ấy.
“Chỉ cần chúng ta dũng cảm thêm một chút, kiên cường thêm chút nữa, cố gắng đi hết con dốc ấy, dù là bò hay lết, thì khi chạm chân đến đỉnh cao, nhất định sẽ rã rời trong hạnh phúc”, Yến chia sẻ.
Nếu cứ chấp nhận sự sắp đặt của số phận, mình sẽ chỉ đứng yên đấy, như một kẻ thất bại với chính bản thân mình. Chỉ một lần được sống, đừng cam chịu đói nghèo, đừng đầu hàng số phận.
Yến khiêm tốn chia sẻ, mình chỉ mong cuốn sách có thể đồng cảm với những người đang loay hoay tìm ước mơ, ai đó đang ở vực thẳm của sự thất bại, những người chọn con đường khác thường: Chỉ cần chúng ta tin vào mình và nỗ lực, kiên trì với lựa chọn của mình. Lúc tăm tối nhất cũng sẽ vượt qua.
Chảo Yến cho biết, 10% số tiền bán tự truyện sẽ được đóng góp vào Quỹ học bổng Lee MacDonald. Quỹ học bổng này thay vì chỉ trao cho sinh viên tiên tiến sẽ mở rộng đối tượng được nhận là các bạn sinh viên nghèo đang học tại Trường Đại học Lâm nghiệp và trẻ em nghèo Tây Bắc.
Chảo Yến hiện đang làm việc tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Hà Nội). Là cán bộ chính sách, được làm đúng nghề theo ngành học Quản lý tài nguyên rừng, Yến đang ngày ngày thực hiện mong muốn góp sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng trong thay đổi nhận thức về bảo vệ rừng, nâng cao sinh kế cho đồng bào.