Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi hiệu quả
Từ năm 2022 đến nay, huyện Bình Liêu đã khuyến khích, vận động Nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, phù hợp eo đó tạo việc làm, tăng tcho người dân ở địa phương. Từ nguồn lực đầu tư của các chương trình MTQG, huyện cũng đã mở được 8 lớp nghề cho 160 lao động nông thôn, kết nối cho gần 700 lao động tiếp cận cơ hội làm việc tại ngành than và nhiều doanh nghiệp khác. Đồng thời, kết nối cho 819 hộ dân vay hơn 57 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Gia đình ông Loan Văn Viền, thôn Nà Làng, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, vài năm nay đã chuyển một phần diện tích đất rừng sang mô hình chăn nuôi bò lấy thịt. Được sự hỗ trợ vay vốn 200 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện cùng với tiền thu hoạch cây keo, ông Viền đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 20 con bò giống về để chăn thả.
Được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng chống dịch bệnh, nên đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, vừa qua đã sinh thêm 6 con bê, bán 4 con bò thịt được 82 triệu đồng. Đến nay đã phát triển lên 50 con, hứa hẹn cho thu nhập cao thời gian tới.
Ông Viền chia sẻ: “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân giống để mở rộng số lượng đàn bò; tuyên truyền, hỗ trợ về con giống cho bà con trong vùng cùng phát triển chăn nuôi. Rất cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật để tạo điều kiện ban đầu cho người dân phát triển kinh tế”.
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị canh tác, huyện đã vận động người dân tập trung đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương; đồng thời, huyện hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó nông dân vùng đồng bào DTTS của huyện có cơ hội tiếp cận với những mô hình kinh tế mới, cho năng suất, giá trị kinh tế cao.
Xã Đồng Văn (Bình Liêu) có trên 96% là đồng bào DTTS, với số hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều nhất huyện. Hầu hết các hộ dân sống rải rác, trình độ dân trí còn hạn chế. Ông Lô Ngọc Hòe, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền, giải thích với bà con, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác manh mún của người dân, hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây, con giống có chất lượng, phù hợp khung thời vụ, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, để sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình, từng bước làm chủ cuộc sống”.
Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, các khóa tập huấn, trình độ nhận thức và tư duy của người dân, nhất là ở các vùng đồng bào DTTS có chuyển biến rõ rệt, mạnh dạn đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn đã mang lại hiệu quả cao, ngày càng được nhân rộng.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Liêu, chia sẻ: “Để nâng cao thu nhập của người dân, huyện ưu tiên phát triển các nông sản thế mạnh của địa phương; lựa chọn các gia đình có ý chí vươn lên, có điều kiện về đất đai để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế. Sau đó, tuyên truyền mở rộng, lan tỏa các mô hình thành công trong Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS”.
Thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm
Tận dụng lợi thế từ cảnh quan, thiên nhiên và văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại địa phương, những năm gần đây, phát triển du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững đã và đang được huyện Bình Liêu đẩy mạnh. Nhiều giải pháp cũng được cấp ủy, chính quyền tập trung như: Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người dân...
Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Năm 2023, chúng tôi đưa các sản phẩm du lịch mới vào phục vụ du khách, như chương trình “Phiên chợ đêm Bình Liêu”, nghiên cứu phát triển chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Phán...
Cùng với đó, chúng tôi tham mưu cho huyện đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại xã Húc Động, bản văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồng Văn.
Trên cơ sở định hướng đó, nhiều bà con DTTS cũng mạnh dạn bắt nhịp xu thế, chuyển đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch, dịch vụ. Chị Lý Thị Hạnh, một người dân tại bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn cho biết: “Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của địa phương, được sự động viên của chính quyền, gia đình tôi đã xây dựng mô hình homestay để đón tiếp du khách đến Bình Liêu, với mong muốn vừa tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá tới du khách thập phương những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Hay như mô hình nông nghiệp công nghệ cao của hợp tác xã (HTX) Hoa Bình Liêu đang trở thành điểm đến mới lạ của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Tọa lạc trên vùng núi Cao Ly thuộc bản Cao Sơn, xã Hoành Mô với độ cao gần 900m, công viên hoa Cao Sơn của HTX có tổng diện tích hơn 1,5ha, HTX Hoa Bình Liêu đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động người địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ xung quanh nâng cao thu nhập khi cung ứng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như ăn uống, ngủ, nghỉ…
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2023, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân miền núi, biên giới, bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. "Huyện Bình Liêu phấn đấu không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 0,17% (13 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025", Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh.