Phó Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, Dương Văn Võ cho biết: Cao Mã Pờ là xã biên giới, có 593 hộ, với 2850 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 8 thôn, với 05 thành phần dân tộc gồm: Dân tộc Dao chiếm 62%; dân tộc Hán chiếm 22%; dân tộc Mông 15%, còn lại là dân tộc Tày và dân tộc Kinh.
Là địa phương có điều kiện xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhưng những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), mà đời sống văn hoá, tinh thần, kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.
"Đảng bộ xã cũng đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của đảng viên, của Người có uy tín trong cộng đồng", ông Dương Văn Võ, Chủ tịch HĐND xã Cao Mã Pờ thông tin.
Cùng với sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào DTTS trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 5% trở lên; theo số liệu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 56,66%. Thu nhập bình quân của các hộ đạt 32 triệu đồng/năm. Để đạt được kết quả này, xã đã tập trung các giải pháp, huy động nguồn lực đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, chỉ tính riêng 2 năm 2023 và năm 2024 xã Cao Mã Pờ đã tích cực giải ngân nguồn vốn, trong đó thực hiện bê tông hóa 4 tuyến đường với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng trong đó có 3 tuyến đường đã được hoàn thiện, đưa vào phục vụ đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế của địa phương; Xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Chín Chu Lìn, với kinh phí hơn 500 triệu đồng;
Xã cũng đã phối hợp với Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Quản Bạ triển khai 03 công trình đầu tư cột và dây dẫn điện 0,4 tại các thôn Chín Chu Lìn, Vả Thàng II và Chín Sang; Xây dựng Chợ trung tâm xã Cao Mã Pờ; Hỗ trợ 03 hộ gia đình làm nhà ở cùng 147 téc nước cho 147 hộ gia đình còn gặp khó khăn; Hỗ trợ 569 hộ gia đình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…
Xã cũng xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, Cao Mã Pờ cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện toàn xã có 420 ha cây ngô, 24,96 ha lúa, cây dong riềng 150 ha, cây ăn quả 27,9 ha, cây dược liệu 564 ha; tổng đàn trâu, bò 1.095 con, dê 97 con, gia cầm 16.500 con, đàn ong 330 tổ.
Tại thôn Vàng Chá Phìn, gia đình anh Hoàng Văn Rèn, là một trong những hộ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp tiêu biểu. Hiện nay, anh Rèn đang tập trung vào phát triển cây tam thất, cây đào cảnh quan với diện tích hàng nghìn m2.
Ngoài ra, anh đã đầu tư 3 dãy chuồng trại để chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi lứa, gia đình anh sẽ cung cấp cho địa bàn khoảng 50 cá thể lợn thương phẩm. Anh Rèn chia sẻ: “Với sự giúp sức về nguồn vốn của Nhà nước, nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, định hướng, người dân chúng tôi biết cách phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, được tham gia lớp học nghề, giúp nhau vượt khó. Nhờ vậy, cuộc sống người dân thôn, bản từng bước đi lên, hủ tục, tệ nạn xã hội giảm dần. Đời sống được nâng lên rõ rệt”.
Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Cao Mã Pờ có 11 hộ kinh doanh chủ yếu tập trung ở khu dân cư kiểu mẫu thôn Cao Mã, vườn đào thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn. Từ đầu năm đến nay, xã đón trên 1.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú, doanh thu trên 60 triệu đồng.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình MTQG 1719 để người dân sớm được thụ hưởng chính sách và vươn lên thoát nghèo. Trong đó, xã sẽ tập trung nguồn vốn cho việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn...
Hiệu quả từ việc triển khai các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho người dân xã Cao Mã Pờ vươn lên thoát nghèo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng địa phương vùng biên giới này ngày một đổi thay.
Ông Viên Quang Chương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quản Bạ thông tin: Xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đặc biệt ở những xã giáp biên, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài. Vì vậy, những năm gần đây, huyện Quản Bạ đã ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất; chăn nuôi, chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với đó là, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự đầu tư của Nhà nước để vươn lên phát triển kinh tế.