Cách thức đọc sách không quyết định giá trị của sách
Nhiều năm về trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh, người dân vẫn thường có thói quen đọc sách. Việc đến các thư viện để thuê hay mượn sách rất phổ biến, do vậy mà trước đây thư viện luôn là chốn thân quen của những "mọt sách”.
Cô Lê Minh Hoà (62 tuổi), TP. Tuyên Quang chia sẻ: “Tôi từng là một nhà báo nên rất đam mê đọc sách báo, tạp chí. Ngày xưa, thư viện tỉnh luôn là nơi tôi lui đến mỗi khi cần tìm đọc các cuốn sách để phục vụ công việc nghiên cứu, viết bài. Có thể nói, thói quen đọc sách giấy đã hằn sâu và trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.
Tuy nhiên gần đây, các hình thức đọc sách ngày một đa dạng hơn, mọi người có thêm nhiều sự lựa chọn cho mình. Thay vì mua những cuốn sách dày vài trăm trang thì chỉ cần một chiếc Ebook (sách điện tử) hay truy cập một số trang web sách uy tín như Sachtot.vn, Waka.vn, Wattpad.com, Gacsach.com… là đã có thể đọc sách mà lại tiết kiệm được không gian, thậm chí là tiền bạc.
Việc đọc sách bằng hình thức nào, sách giấy, sách điện tử hay đọc online vẫn luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Những người thích đọc sách giấy cho rằng những cuốn sách này đem lại cảm xúc cho họ nhiều hơn là đọc qua màn hình. Mùi của giấy, âm thanh lật giở từng trang sách, hay việc đánh dấu, ghi chú lại những đoạn “tâm đắc”… sẽ mang lại cảm xúc, để lại những ký ức mà không thiết bị nào làm được. Còn với những người chuộng sách điện tử lại cho rằng, trong tương lai Ebook sẽ là xu hướng tất yếu, nhất là thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 chắc chắn sẽ càng bùng nổ.
Mọi người có thể có những ý kiến trái ngược nhau về cách thức đọc sách, bởi đó còn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, sở thích cá nhân… nhưng về mục đích, tất cả đều hướng đến việc mở mang tri thức, bên cạnh đó còn là giải trí, giảm căng thẳng, nâng cao vốn từ,…
Sách đến với đồng bào vùng cao
Ngày 4/11/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc.
Năm nay, rất nhiều địa phương trên cả nước tổ chức Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam, đặc biệt là tại các địa phương vùng cao, vùng có đông đồng bào DTTS.
Tại tỉnh Yên Bái, trong 2 ngày 15-16/4, tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức phát động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Chị Phạm Lan Hương, thư viện tỉnh Yên Bái cho biết: “Tuy quy mô và hình thức có khác nhau nhưng năm nào tỉnh cũng tổ chức ngày hội sách và văn hoá đọc để người dân Yên Bái được tham gia vào ngày hội tri thức lớn cùng nhân dân cả nước. Ban đầu Thư viện tự đứng ra tổ chức tại các điểm trường, tổ dân phố… nhưng sau này đã liên kết với nhiều đơn vị triển khai rộng rãi trên phạm vi các huyện, các xã…”
Chị Hương cho biết thêm, được sự quan tâm của các cấp các ngành, từ năm 2008, Thư viện đã được trang bị xe lưu động do Cộng hoà Pháp tài trợ, nhằm đưa sách đến được các vùng xa hơn trên địa bàn tỉnh. Xe lưu động hiện vẫn duy trì hoạt động đều đặn hàng tháng và mang sách đến 9/9 huyện, thị trong tỉnh. Song song với xe lưu động, tỉnh còn triển khai website của thư viện. Đây là bộ sưu tập số và là nơi tra cứu và tải tư liệu toàn văn với hơn 200 nghìn tài liệu báo, tạp chí, phim ảnh, khoa học thường thức, y học, nông nghiệp… đến nay đã đạt hơn 900 nghìn lượt truy cập.
Tổ chức giáo dục vì cộng đồng V.E.O hoạt động từ năm 2014 là một đơn vị nổi bật với nhiều hoạt động thiết thực hướng đến người dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Anh Nhữ Ngọc Thịnh, điều phối viên của V.E.O chia sẻ, những điểm V.E.O chọn đưa các tình nguyện viên đến đều là các xã vùng cao, nơi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận với tri thức hiện đại. Chính vì vậy mà bên cạnh các hoạt động hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân, V.E.O còn tích cực mang sách, báo đến cho họ.
“Mỗi đợt thiện nguyện, chúng mình nhận được rất nhiều sách ủng hộ. Những người ủng hộ sách cũng rất đa dạng về độ tuổi, từ các em nhỏ đến các cô bác cao tuổi. Sau khi nhận sách, chúng mình sẽ phân loại cẩn thận và chia sách ra để đem đến các tủ sách tại các xã vùng cao. Nhìn hình ảnh các em nhỏ say mê đọc sách, chúng mình lại càng cảm thấy công việc thật này thật ý nghĩa biết bao”, Thịnh tâm sự.
Không thể phủ nhận về lợi ích của việc đọc sách, dù ở bất cứ giai đoạn nào, tiếp cận sách dưới bất kỳ hình thức nào thì sách luôn có khả năng thay đổi cuộc đời con người theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Hy vọng rằng, thông qua những hoạt động ý nghĩa, thiết thực như những ví dụ nêu trên, văn hoá đọc sách tại Việt Nam sẽ ngày một phát triển hơn nữa, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.