Tại bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, không khí đón Tết của người dân rất rộn ràng, nhộn nhịp. Ai cũng phấn khởi chào đón một năm mới nhiều may mắn hơn. Các gia đình đều mổ lợn, gói bánh giầy, làm bánh trôi ăn Tết với nhiều phong tục độc đáo cùng những lễ hội đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Người Hà Nhì không ấn định cụ thể ngày ăn Tết hàng năm mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm. Dựa trên các yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng, khả năng kinh tế chung mà đưa ra ngày cụ thể. Thường vào khoảng tháng 11 dương lịch, Tết cổ truyền của người Hà Nhì sẽ diễn ra và còn được gọi là Cố Nhị Chà. Bởi đây là thời điểm nông nhàn, người dân Hà Nhì đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để ăn Tết vui vẻ.
Tết của người Hà Nhì vùng biên giới Mường Tè có nhiều phong tục rất thú vị, mang đậm nét đặc trưng riêng. Ngày Tết của đồng bào dân tộc Hà Nhì bắt đầu từ ngày Thìn, vào đầu hoặc giữa tháng và kéo dài trong 12 ngày (kiêng kỵ không ăn trong 2 tháng âm lịch). Nhưng chỉ ăn Tết tập trung trong 5 ngày đầu, những ngày còn lại vui chơi, nghỉ ngơi và chờ đến đúng ngày Thìn tiếp sau để cúng tổ tiên, báo cáo bước sang mùa vụ mới.
Riêng bánh cúng tổ tiên, chủ nhà nặn ba chiếc to hơn bánh thường rồi đặt lên tấm lá chuối để mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Lễ cúng vừa như lời tạ ơn cho một vụ mùa đã qua và vừa cầu xin cho một năm mới tốt lành, mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi. Bánh để cúng phải có hạt lạc đã giã trộn lẫn nhân bánh, bởi theo quan niệm phải có nhiều hạt thì mùa vụ mới sẽ bội thu. Món bánh này được coi là món khai vị ngày Tết.
Đêm đầu tiên của Tết được coi như đêm giao thừa. Đến sáng sớm ngày Thìn, nhà nhà thi nhau mổ lợn, vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua làm ăn tốt, mùa màng bội thu. Bởi thế, những con lợn mổ Tết thường là những con lợn đã được nuôi từ 1 - 2 năm, nhiều con nặng tới hơn một tạ.
Ông Chu Cha Chừ, bản Mé Gióng, xã Ka Lăng chia sẻ: Một trong những nét văn hóa tâm linh độc đáo không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nhì là tục xem gan lợn. Họ nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh. Lợn mổ xong, cắt mỗi thứ một ít để cúng tổ tiên. Phần còn lại pha chế thành nhiều món và cắt từng miếng nhỏ chia cho con cháu, nhưng riêng đầu lợn thì treo lên để cúng sau.
Việc thờ cúng ngày Tết của dân tộc Hà Nhì cũng rất gọn nhẹ, không hương hoa, vàng mã, bày biện như một số dân tộc khác. Mâm cúng tổ tiên cũng rất đơn giản, chủ yếu là các sản vật do chính tay con cháu làm ra như bánh giầy, bánh trôi, rượu, muối ớt, cơm, thịt. Đặc biệt, việc cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Hà Nhì do phụ nữ đảm nhiệm. Nơi thờ cúng bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường của vợ chồng gia chủ. Còn nơi thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp.
Trong 5 ngày Tết, bà con Hà Nhì cùng nhau ăn uống, sum vầy và đi chúc Tết lẫn nhau với những lời chúc tốt đẹp nhất. Trong bữa cơm thân mật, họ cùng nhau ôn lại những câu chuyện về lai lịch dòng tộc hoặc công việc trong năm tới và chia sẻ kinh nghiệm mùa màng.
Những ngày Tết cổ truyền của người Hà Nhì, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng diện quần áo mới rực rỡ sắc màu để đi chơi. Người dân Hà Nhì còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu vực nhà văn hóa bản. Không khí diễn ra rất sôi động với tiếng sáo bay bổng, tiếng chiêng rộn rã và các trò chơi dân gian như đánh cù, đá cầu lông gà... được các chàng trai, cô gái thể hiện say sưa nhiệt tình. Đây là dịp để những chàng trai, cô gái đua tài khoe sắc và cơ hội để các chàng trai, cô gái tìm hiểu kết duyên vợ chồng...
Đến ngày Thìn kế tiếp, tức sau 12 ngày ăn Tết người dân Hà Nhì sẽ làm một lễ cúng gồm thịt lợn, miếng gan, chén rượu, chén chè và một ít cơm hoặc cháo để báo cáo tổ tiên bước vào mùa vụ mới.
Bí thư Đảng bộ xã Ka Lăng, Phùng Xì Che cho hay: Ka Lăng là xã có đông đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống tập trung. Nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc, xã Ka Lăng đã ban hành Nghị quyết về khôi phục các bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì và được đồng bào hưởng ứng nhiệt tình, góp phần duy trì các nếp sống văn hóa. Những năm qua, đời sống của người dân ngày càng phát triển, giao thông đi lại thuận tiện, nhà cửa được xây dựng khang trang, góp phần cải thiện đời sống cho người dân và có điều kiện duy trì tục ăn Tết cổ truyền vào tháng 11 hàng năm.
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Tè luôn quan tâm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Tết cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo phân công các xã rà soát đời sống của người dân Hà Nhì, những hộ dân không đủ điều kiện ăn Tết huyện đã hỗ trợ, đảm bảo mỗi người dân được ăn Tết đầm ấm. Cùng đó, Huyện ủy Mường Tè cũng thành lập các đoàn đến thăm, chúc Tết và chung vui cùng đồng bào Hà Nhì đang sinh sống trên địa bàn huyện./.