Đường huyện ĐH48 có tổng chiều dài 47km, rộng 3,5m, còn gọi là đường tránh ngập, dẫn vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30a. Hiện nay, cả đoạn đường mới chỉ có 9 km được cứng hóa, phần còn lại là đường đất. Đoạn đường đi qua xã Đồng Thắng và một số thôn của xã Lâm Ca, như: Bình Thắng, Khe Lầm, Hòa Bình là những nơi di chuyển khó khăn nhất. Đặc biệt, đoạn đường qua thôn Bình Thắng, Khe Lầm xấu đến mức người dân phải cuốc đường đi qua cánh rừng tránh những đoạn quá xấu.
Sau mỗi đợt mưa, người dân phải đợi 2 - 3 ngày, khi trời nắng mới có thể di chuyển bằng xe máy để đi đến các xã khác, hoặc ra trung tâm huyện. Vào mùa mưa, người dân nơi đây gần như phải sống, sinh hoạt biệt lập với bên ngoài.
Khi nhắc đến con đường đi về nhà mình, anh Triệu Tiến Quang, thôn Bình Thắng, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập ngao ngán: “Tôi làm việc ở trung tâm huyện, cách nhà 30 km. Do con đường di chuyển quá khó khăn, nên tôi ít khi về thăm gia đình. Đặc biệt vào mùa mưa, có khi phải 2 tháng, tôi mới về nhà được 1 lần”.
Cũng phải di chuyển đầy khó khăn trên con đường ĐH48 này nhiều năm qua, anh Triệu Sinh An, thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập cho biết, nhà anh chỉ cách trung tâm xã 3 km, nhưng cứ mỗi sáng đưa con đi học, anh phải mất 40 phút để di chuyển đến trường vì đường quá xấu, cả đoạn đường giống như ruộng lúa sắp cấy, có những đoạn bùn ngập đến hơn nửa bánh xe. Nếu trời mưa to thì con anh phải nghỉ học, bởi không thể nào di chuyển nổi!
Điện, đường, trường, trạm là những yếu tố cốt lõi để đưa đời sống người dân miền núi phát triển thoát nghèo. Thế nhưng, với người dân 3 xã vùng cao nơi đây, vẫn luôn ước mơ một con đường “đi được” để cuộc sống bớt cực nhọc.
Ông Vi Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: Thu nhập chính của người dân từ hoạt động khai thác gỗ rừng trồng (thông, keo) và nhựa thông. Tuy nhiên, những lâm sản đó của người dân đều bị thương lái trả giá rất thấp, do chi phí vận chuyển cao (trừ đi từ 5 - 20% để bù chi phí vận chuyển). Con đường xấu, là một trong những nguyên nhân chính khiến cho xã Đồng Thắng chậm phát triển hơn nhiều, so với mặt bằng chung cả huyện Đình Lập.
Được biết, năm 2014, tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Dự án Đường tránh ngập vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30a là: Cường Lợi, Đồng Thắng, Lâm Ca của huyện Đình Lập do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Song sau nhiều lần thi công và điều chỉnh, thì con đường này mới chỉ cứng hóa được 9 km. Những hợp phần còn lại vẫn đang dở dang.
Để đời sống người dân 3 xã nơi đây bớt đi những khó khăn, mong rằng các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn sớm vào cuộc và đẩy nhanh tiến độ Dự án, khắc phục và hoàn thiện con đường giúp bà con phát triển kinh tế, thoát cảnh nghèo khó.